Tổ tiên của nCoV có thể đã tuần hoàn ở dơi trong nhiều thập kỷ mà không bị phát hiện và chúng cũng có khả năng lây sang người.
Để hiểu rõ nCoV đến từ đâu và lây sang người bằng cách nào, giới nghiên cứu cần truy tìm lịch sử tiến hóa của nó thông qua hệ gene của virus, được mã hóa ở axit ribonucleic (ARN). Nhưng lịch sử tiến hóa của nCoV rất phức tạp bởi các virus corona thường xuyên trao đổi vật liệu di truyền với nhau. Sự trao đổi đó gọi là tái tổ hợp di truyền, gây khó khăn cho những nhà nghiên cứu trong việc xác định lúc đầu nCoV truyền sang người như thế nào. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nCoV lây trực tiếp từ dơi sang người trong khi số khác đặt giả thuyết nó truyền qua vật chủ trung gian như tê tê.
Trong nghiên cứu mới công bố hôm 28/7 trên tạp chí Nature Microbiology, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định những đoạn ARN ở hệ gene của nCoV tiến hóa như một mẫu hoàn chỉnh mà không tái tổ hợp di truyền, theo Maciej Boni, phó giáo sư sinh vật học ở Trung tâm Động lực học Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Pennsylvania. Sau đó, họ so sánh các vùng gene này với gene của các virus corona tương tự ở dơi và tê tê. Họ phát hiện nCoV có quan hệ gần gũi nhất với một loài virus corona khác ở dơi có tên RaTG13.
Trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học xem xét cụ thể những gene phụ trách miền liên kết thụ thể (RBD) ở protein hình gai của nCoV, thứ cho phép virus ghép nối với thụ thể ACE2 ở tế bào con người và lây nhiễm. Theo kết quả nghiên cứu đó, RBD của gai protein có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền với một loại virus corona ở tê tê (gọi là Pangolin-2019) hơn RaTG13. Có hai cách giải thích cho điều này, nCoV đã tiến hóa khả năng lây sang người khi ở trong cơ thể tê tê hoặc chúng phát triển RBD thông qua tái tổ hợp với virus ở tê tê.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, Boni và cộng sự không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự tái tổ hợp ở gene phụ trách protein hình gai của virus. Thay vào đó, dữ liệu giải trình tự gene hé lộ cách giải thích thứ 3. Đó là gene chi phối protein hình gai và khả năng lây nhiễm sang tế bào người của nCoV được truyền từ tổ tiên chung của nCoV, RaTG13 và Pangolin-2019.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vẫn có khả năng tê tê hoặc một loài khác đóng vai trò như vật chủ trung gian giúp nCoV truyền sang người. Nhưng nghiên cứu của họ chỉ ra khả năng nhân lên ở đường hô hấp trên trong cơ thể người và tê tê của virus corona thực chất tiến hóa từ dơi. Do đó, nCoV có thể truyền trực tiếp từ dơi sang người.
Để xác định khi nào tổ tiên của nCoV phân hóa thành RaTG13 và Pangolin-2019, nhóm nghiên cứu nhận dạng những đột biến ở nucleotide, phân tử tạo nên ARN của nCoV. Sau đó, họ đếm số lượng đột biến ở các vùng thuộc hệ gene của nCoV không trải qua tái tổ hợp. Dựa vào ước tính về tốc độ đột biến mỗi năm của nCoV, họ tính toán thời gian phân hóa.
Các nhà nghiên cứu phát hiện cách đây hơn một thế kỷ, có một dòng virus cho ra đời SARS-CoV-2, RaTG13 và Pangolin-2019. Theo họ, dòng này có thể có tất cả axit amino cần thiết ở miền liên kết thụ thể để lây nhiễm sang tế bào con người. Axit amino là khối cấu thành các protein như protein hình gai.
Ở thời điểm đó, virus Pangolin-2019 tách khỏi tổ tiên chung. Sau đó, vào thập niên 1960 - 1970, dòng này tách làm hai, tạo ra dòng RaTG13 và SARS-CoV-2. Trong thời gian năm 1980 và 2013, RaTG13 mất khả năng liên kết với thụ thể của con người, nhưng nCoV thì không. "Dòng nCoV đã tuần hoàn ở dơi 40 - 70 năm trước khi truyền sang người", Boni nói. Cuối năm 2019, ai đó vô tình tiếp xúc với nCoV, dẫn tới dịch bệnh bùng phát.
An Khang