Xoáy cực, dải không khí lạnh thường xoay quanh Bắc Cực nhưng đôi khi tràn xuống phía nam, là yếu tố chính khiến nhiều nước châu Á lạnh khác thường.
Mạc Hà, thành phố cực bắc Trung Quốc, ghi nhận mức nhiệt -53 độ C tuần trước. Đây là mức nhiệt lạnh nhất từng ghi nhận trong lịch sử thành phố, đủ để gây hạ thân nhiệt trong vòng vài phút với những ai không mặc đủ ấm.
Khi tuyết và những cơn gió bắc cực quét qua Siberia và tràn vào Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, trong tuần cuối tháng 1, hàng trăm triệu người Đông Á gặp khó khăn. Nhiều chuyến tàu và máy bay bị hoãn hoặc hủy. Đợt lạnh khắc nghiệt cũng gây trở ngại cho Tết Nguyên Đán, dịp lễ quan trọng nhất năm của nhiều người Đông Á.
Ít nhất ba trường hợp tử vong ở Nhật Bản tuần trước liên quan đến thời tiết lạnh. Trong khi đó, cơ quan khí tượng của Triều Tiên cũng cảnh báo người dân về "đợt sóng lạnh khắc nghiệt nhất trong 23 năm qua". Tại Hàn Quốc, hàng trăm chuyến bay không thể cất cánh và các bãi biển cũng bị băng bao phủ.
Nhiều gia đình người Việt ở Hàn Quốc, Nhật Bản, khổ sở khi giao thông rối loạn, đường ống nước đóng băng, chi phí sưởi tăng vọt giữa đợt lạnh giá kỷ lục. "Bão tuyết khiến nhiều chuyến bay bị hủy, xe cộ luôn phải bật đèn và di chuyển ở tốc độ rất chậm, khi tầm nhìn chỉ dưới một mét", Nguyễn Thị Bích Ngân, phiên dịch viên 28 tuổi sống tại thành phố Sapporo, tỉnh cực bắc Hokkaido, Nhật Bản, cho biết.
Thời tiết âm độ kéo dài khiến gia đình Vân Giang ở Seoul, Hàn Quốc, gặp bất tiện lớn vì đường ống nước trong nhà vệ sinh đóng băng. "Chúng tôi phải dùng nước sôi, máy sấy tóc hướng thẳng vào đường ống đóng băng để khắc phục, có hôm cả gia đình phải xin nhờ tắm giặt nhà hàng xóm. Bồn cầu trong nhà vệ sinh ở công ty cũng đóng băng, phải đổ nước sôi đợi đá tan mới sử dụng được", chị Giang chia sẻ.
Nam Á cũng đang trải qua mùa đông đặc biệt lạnh. Một số bang Ấn Độ hứng chịu những đợt sóng lạnh nghiêm trọng vào giữa tháng 1. Mức nhiệt của một số khu vực tại Afghanistan xuống tới gần -34 độ C. Các nhà chức trách nước này cho biết, ít nhất 162 người đã chết vì lạnh kể từ ngày 10/1.
Theo phát ngôn viên của Bộ Quản lý Thiên tai Afghanistan, khoảng một nửa trong số 162 ca tử vong xảy ra chỉ trong tuần giữa tháng 1. Đây cũng là mùa đông lạnh nhất ở nước này suốt khoảng một thập kỷ.
Xoáy cực là 'thủ phạm' chính
Các nhà khoa học cho rằng, đợt lạnh khắc nghiệt ở châu Á chủ yếu do xoáy cực - hiện tượng mang lại thời tiết lạnh khác thường cho Mỹ vào tháng 12 năm ngoái. Đây là dải không khí lạnh thường xoay quanh Bắc Cực nhưng đôi khi dịch chuyển xuống phía nam.
Xoáy cực được giữ tại chỗ nhờ chuyển động quay của Trái Đất và sự chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực với khu vực vĩ độ trung bình gọi là dòng tia cực. Khi xoáy cực bị gián đoạn, dòng tia cực có thể trở nên lượn sóng hơn, khiến không khí lạnh hơn dịch chuyển xuống phía nam và không khí ấm hơn dịch chuyển lên phía bắc. Quá trình diễn ra tự nhiên, nhưng các nhà khoa học cho rằng khi Trái Đất ấm lên, sự dịch chuyển của xoáy cực có thể trở nên thường xuyên và rõ rệt hơn.
Các nhà khoa học chưa thể khẳng định chắc chắn biến đổi khí hậu đóng vai trò gì trong quá trình này, hay liệu số lượng các đợt lạnh khắc nghiệt có tăng lên khi Trái Đất tiếp tục ấm lên hay không.
Trong tháng 1, xoáy cực đưa không khí Bắc Cực đến Trung Á, sau đó di chuyển dần về phía đông, theo Woo Jin-kyu, nhà khí tượng học tại Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc. Ông cho biết, khí lạnh tràn xuống phía nam đi kèm với sự dịch chuyển của dòng tia - luồng gió mạnh thổi từ tây sang đông theo các rìa của xoáy cực.
"Dòng tia giống như đường ray của tàu lượn siêu tốc. Biên độ của các đường ray càng lớn thì diện tích của xoáy cực càng lớn và không khí Bắc Cực càng mở rộng xuống phía nam", Woo giải thích.
Có thể những đợt hạn hán gần đây cũng khiến châu Á càng dễ hứng chịu nhiệt độ khắc nghiệt, theo Mark Howden, giám đốc Viện Giải pháp Thảm họa, Năng lượng và Khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Australia. Ông dự đoán xoáy cực sẽ di chuyển theo hướng đông, về phía Bắc Mỹ, trong vài tuần tới.
Nhìn chung, tần suất và cường độ của những đợt lạnh khắc nghiệt ở phần lớn các khu vực trên thế giới đã giảm kể từ những năm 1950, theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu năm 2022. Tuy nhiên, Howden cho biết, xu hướng này là mức trung bình và không giải thích cho những thay đổi cục bộ.
"Điều thực sự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới là chúng ta đang hứng chịu thời tiết lạnh hơn và khắc nghiệt hơn. Những ngày nóng trở nên nóng hơn và những ngày lạnh cũng lạnh hơn", ông nói.
VnE/Theo New York Times