Theo nghiên cứu mới, việc đeo khẩu trang giúp giảm đến hơn 50% khoảng cách mà mầm bệnh có thể di chuyển trong không khí do việc nói hoặc ho, so với khi không đeo khẩu trang.
Hiệu quả của khẩu trang đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi kể từ khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát.
Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học tại Đại học Central Florida (Mỹ) tiến hành đã cung cấp thêm bằng chứng chứng minh độ hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu, việc đeo khẩu trang giúp giảm đến hơn 50% khoảng cách mà mầm bệnh có thể di chuyển trong không khí do việc nói hoặc ho, so với khi không đeo khẩu trang.
Phát hiện này rất quan trọng vì các mầm bệnh virus trong không khí, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2, có thể nằm bên trong và được truyền qua các giọt bắn hoặc aerosol - những giọt bắn hòa lẫn trong không khí, được hình thành trong hoạt động hô hấp của con người như nói và ho.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ chuyên dụng nghiên cứu hạt chất lỏng được truyền trong không khí để đo khoảng cách giọt bắn và aerosol từ mọi hướng có thể, khi diễn ra hoạt động nói và ho. Qua đó xác định được đặc điểm, tác động và hướng của các giọt bắn trong không khí.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 14 người, gồm 11 nam và 3 nữ, tuổi từ 21-31.
Mỗi người tham gia đọc một cụm từ và mô phỏng một cơn ho trong vòng 5 phút, ở trong 3 bối cảnh: khi không đeo khẩu trang, khi đeo khẩu trang vải và khi đeo khẩu trang y tế 3 lớp dùng một lần.
Kết quả cho thấy cả khẩu trang vải lẫn khẩu trang y tế đều có tác dụng giảm khoảng cách của giọt bắn.
Cụ thể, đeo khẩu trang vải giúp giảm gấp đôi khoảng cách giọt bắn di chuyển, còn đeo khẩu trang y tế giúp giảm xấp xỉ 2,5 lần khoảng cách giọt bắt di chuyển so với lúc không đeo khẩu trang.
Nghiên cứu này bắt nguồn từ ý tưởng nghiên cứu về động cơ phản lực, cũng do nhóm các nhà khoa học này thực hiện, vì theo nhóm này, cơ chế của động cơ phản lực và hoạt động ho hay nói đều tương tự như nhau.
Trong thời gian tới, nhóm nhà khoa học này hy vọng có thể mở rộng quy mô nghiên cứu với sự tham gia của nhiều người hơn, giúp tăng độ đa dạng và chính xác.
NDĐT