Các nhà khoa học đã chế tạo thành công một lò phản ứng sinh học cho phép vi khuẩn lam phát triển trong điều kiện giống như sao Hỏa.
Tảo lam hay vi khuẩn lam rất quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất. Giới khoa học tin rằng sự bùng nổ của chúng cách đây 2,4 tỷ năm là yếu tố chính cung cấp oxy cho bầu khí quyển, tạo điều kiện để sự sống có thể hình thành và phát triển như ngày nay. Vì lý do này, các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu chúng ta có thể khai thác khả năng tạo oxy của tảo lam để hiện thực hóa giấc mơ đưa con người tới sống ở hành tinh khác như sao Hỏa hay không.
Trong một thí nghiệm được công bố trong tuần này trên tạp chí Frontiers in Microbiology, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bremen của Đức cho biết đã chế tạo thành công một lò phản ứng sinh học có tên là Atmos - bao gồm chín bình thủy tinh và thép được kiểm soát và giám sát cẩn thận mọi lúc - cho phép nuôi sống tảo lam trong điều kiện tương tự sao Hỏa.
Atmos có áp suất bằng khoảng 10% áp suất khí quyển của Trái Đất và chỉ sử dụng các nguyên liệu được tìm thấy trên sao Hỏa. Ví dụ, nước có thể được lấy từ băng và regolith (lớp đất mặt) có thể được tổng hợp bằng cách trộn các khoáng chất có sẵn trên bề mặt hành tinh đỏ.
"Trong điều kiện lò phản ứng Atmos, chúng tôi nhận thấy tảo lam có thể sử dụng các loại khí có sẵn trong bầu khí quyển của sao Hỏa làm nguồn carbon và nitơ cho chúng. Thí nghiệm chứng minh tảo lam vẫn có khả năng phát triển trong môi trường nước chỉ chứa bụi sao Hỏa và có thể dùng để nuôi các vi sinh vật khác. Điều này rất có ý nghĩa đối với các sứ mệnh lâu dài trên hành tinh đỏ", nhà sinh vật học thiên văn Cyprien Verseux từ Đại học Bremen nhấn mạnh.
Verseux lưu ý rằng lò phản ứng Atmos không phải là một hệ thống trồng trọt mà chỉ nhằm mục đích kiểm tra các điều kiện trên sao Hỏa có thể hỗ trợ sự sống hay không. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm này có thể là tiền đề để nhóm nghiên cứu phát triển một hệ thống trồng trọt hiệu quả trên sao Hỏa một ngày nào đó.
VNE