kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tại sao máu đỏ nhưng tĩnh mạch lại màu xanh?

Tại sao máu đỏ nhưng tĩnh mạch lại màu xanh?

Máu luôn có màu đỏ do chứa hemoglobin, nhưng màu sắc của các mạch máu nằm dưới da có thể trông xanh hoặc tím do một dạng "ảo ảnh".

Tại sao máu đỏ nhưng tĩnh mạch lại màu xanh
Minh họa các tế bào hồng cầu di chuyển trong tĩnh mạch. Ảnh: Experience Interiors

Một số người cho rằng máu giàu oxy có màu đỏ, trong khi máu nghèo oxy màu xanh lam. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Máu luôn có màu đỏ. Mỗi phân tử hemoglobin - một loại protein trong tế bào hồng cầu vận chuyển oxy - chứa 4 nguyên tử sắt, phản xạ ánh sáng đỏ và khiến máu người màu đỏ.

Sắc độ đỏ thay đổi tùy theo mức oxy trong máu. Máu có màu đỏ anh đào tươi khi hemoglobin lấy oxy trong phổi, đi vào các động mạch và tỏa ra các mô của cơ thể. Nhưng trong chuyến trở về phổi, sau khi tế bào máu vận chuyển oxy đến các mô khắp cơ thể, máu đã khử oxy chảy qua các tĩnh mạch có màu đỏ sẫm hơn nhiều, Kleber Fertrin, phó giáo sư huyết học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Washington, giải thích trên Live Science hôm 8/8.

Máu có nhiều sắc độ đỏ khác nhau, nhưng không bao giờ màu xanh lam. Bệnh nhân có thể đã chứng kiến điều này khi lấy mẫu máu: Kim tiêm đâm vào tĩnh mạch màu xanh, nhưng máu chảy vào lọ là máu khử oxy đỏ sẫm.

"Việc tĩnh mạch màu xanh lam hoặc xanh lục gần giống như một ảo ảnh do tĩnh mạch nằm dưới lớp da mỏng nhưng vô cùng quan trọng. Những màu sắc mà chúng ta nhìn thấy phụ thuộc vào bước sóng mà võng mạc cảm nhận được", Fertrin cho biết. Các lớp da khác nhau khiến các bước sóng phân tán theo những cách khác nhau, ông nói.

Dưới lớp da sẫm màu, tĩnh mạch thường màu xanh lục. Tĩnh mạch có thể mang màu xanh lam hoặc tím dưới màu da sáng hơn. Nguyên nhân là bước sóng ánh sáng xanh lục và xanh lam ngắn hơn bước sóng đỏ. Ánh sáng đỏ thâm nhập mô người tốt hơn ánh sáng xanh. Vì vậy, trong khi các bước sóng đỏ được da hấp thụ, bước sóng xanh lục và xanh lam phản xạ tới mắt người.

Các mạch máu khác, ví dụ như mao mạch nhỏ gần bề mặt, không bị ảo ảnh này tác động nhiều. "Đầu ngón tay có màu hồng vì các mạch máu nằm gần bề mặt hơn nhiều so với tĩnh mạch", Fertrin nói.

Điều này tương tự với những gì xảy ra trong giai đoạn đầu của một vết bầm - thực chất là máu nằm bên ngoài mạch. Nếu bị thương gần bề mặt, vết bầm sẽ mang màu đỏ hoặc đỏ tím, nhưng nếu sâu hơn, nó sẽ màu xanh tím.

Thực tế, máu xanh có tồn tại, ít nhất là trong cua, tôm hùm, bạch tuộc và nhện. Những sinh vật này có đồng trong máu thay vì sắt, khiến máu mang màu xanh lam, theo Hiệp hội Hóa học Mỹ.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy