Sau TV LG chạy webOS hay Sony, Casper chạy Google TV, TV Samsung chạy Tizen đã có thể điều khiển và tìm kiếm bằng tiếng Việt.
Sau lần cập nhật dòng TV mới nhất đầu 2021 tại Việt Nam, Smart TV của Samsung đã có thêm tùy chọn "trợ lý" Google Assistant bên cạnh Bixby (trợ lý ảo do hãng tự phát triển). Trước đó, Bixby được đánh giá ổn ở thị trường quốc tế nhưng không hỗ trợ tiếng Việt. Đây cũng được coi là yếu điểm của TV Samsung so với các đối thủ ở thị trường trong nước, đặc biệt là LG - đơn vị vốn đã có tìm kiếm giọng nói tiếng Việt trên webOS nhiều năm, hay Sony - hãng được hỗ trợ đầy đủ từ khi chuyển sang dùng hệ điều hành Android TV.
Chạy khác hệ điều hành, nhưng được tích hợp sâu, Google Assistant hoạt động trên Tizen của TV Samsung không khác biệt mấy so với thiết bị chạy Google TV. Người dùng có thể tìm kiếm nội dung, nhập liệu và ra lệnh bằng giọng nói. Các thiết bị thông minh liên kết Google Home đều có thể điều khiển qua giọng nói với các dòng TV mới của Samsung. Ngoài ra, hãng còn tích hợp thêm nền tảng nhà thông minh khác cũng khá phổ biến là Smarthings.
Google Assistant hỗ trợ tiếng Việt từ đầu năm 2019, nhận dạng tốt cả cách phát âm khác nhau theo vùng miền. Nhờ lượng người dùng đông đảo trên smartphone, các thiết bị smarthome như Google Nest Mini, Nest Hub..., trợ lý ảo của Google có tốc độ phát triển nhanh và hiện phổ biến nhất thế giới.
Samsung hợp tác với Google để đưa trợ lý ảo Google Assistant lên các dòng TV của hãng từ cuối 2020. Một số dòng TV cao cấp năm ngoái sẽ được cập nhật phần mềm mới trong khi các model đầu 2021 sẽ tích hợp sẵn.
Từ giữa năm 2020, đầu 2021, các dòng TV của Sony, Casper cũng được nâng cấp lên hệ điều hành Google TV (Android TV được đổi tên và làm mới). Với Sony, hãng còn tích hợp microphone lên TV trong năm 2021 thay vì chỉ có trên điều khiển như các năm trước. Người dùng vì vậy có thể bật/tắt TV trực tiếp, ra lệnh giọng nói mà không cần điều khiển rời.
Với LG, webOS là nền tảng TV hỗ trợ tìm kiếm giọng nói tiếng Việt sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Nhờ phát triển sớm, các TV của LG đều nhận diện giọng nói tiếng Việt rất tốt, chính xác với ngữ điệu ở nhiều vùng miền khác nhau. Microphone nhận dạng giọng nói được tích hợp trên điều khiển hỗ trợ nhận diện cử chỉ cũng là điểm nổi trội so với đối thủ của Smart TV LG trong nhiều năm qua.
Điều khiển, tìm kiểm bằng giọng nói là tính năng quan trọng trên TV. Thay vì phải nhập liệu trên điều khiển kích thước nhỏ, di chuyển trỏ chuột trên bàn phím ảo mất thời gian, người dùng chỉ cần ấn nút và đọc câu lệnh. Việc các hãng đều hỗ trợ tính năng này với ngôn ngữ tiếng Việt sẽ giúp Smart TV phổ biến và dễ sử dụng hơn tại thị trường trong nước.
VNE