Những người thiên văn học sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sao Thổ và sao Mộc xếp thẳng hàng ở khoảng cách gần nhất trên bầu trời vào ngày đông chí 21/12.
Trong năm 2020, sao Mộc và sao Thổ ở khoảng cách khá gần trên bầu trời, nhưng sự kiện hiếm gặp vào cuối tháng 12 được gọi là "đại trùng tụ" (great conjunction) do liên quan tới hai thiên thể lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Khoảng cách giữa chúng trên bầu trời nhỏ hơn đường kính trăng tròn, có thể dễ dàng quan sát bằng những kính viễn vọng nhỏ nhất.
"Sự kiện thẳng hàng giữa sao Mộc và sao Thổ khá hiếm gặp, chỉ xảy ra 20 năm một lần, nhưng lần trùng tụ này đặc biệt hiếm bởi khoảng cách giữa hai hành tinh", nhà thiên văn học Patrick Hartigan ở Đại học Rice giải thích. "Lần gần nhất chúng nằm gần nhau như vậy trên bầu trời là vào ngày 4/3/1226".
Trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 25/12, hai hành tinh trông như chỉ nhỏ bằng 1/5 đường kính Mặt Trăng và nằm cách nhau 0,1 độ. Thời điểm chúng đến gần nhau nhất rơi vào ngày 21/12. Trên thực tế, sao Mộc và sao Thổ vẫn ở cách nhau hàng trăm triệu kilomet, nhưng trên bầu trời đêm, chúng nhìn như một chấm sáng nhỏ, gần như không thể tách biệt.
"Vào đêm ngày 21/12, sao Mộc và sao Thổ trông như hành tinh kép, khoảng cách giữa chúng chỉ bằng 1/5 đường kính trăng tròn", giáo sư Hartigan cho biết. "Với phần lớn những người theo dõi bằng kính viễn vọng, mỗi hành tinh và các mặt trăng lớn nhất của chúng đều có thể quan sát từ cùng một góc". Hành tinh kép là hệ nhị phân trong đó cả hai vật thể đều có khối lượng hành tinh. Sao Diêm Vương và mặt trăng Charon trong hệ Mặt Trời là hệ hành tinh kép duy nhất mà giới nghiên cứu biết tới do Charon có khối lượng bằng một nửa hành tinh lùn.
Sao Mộc và sao Thổ nằm thẳng hàng 19,6 năm một lần do quỹ đạo 11,8 năm của sao Mộc và 29,5 năm của sao Thổ mang chúng lại gần nhau theo trường quan sát từ Trái Đất. Theo giáo sư Hartigan, chúng ta sẽ phải chờ tới ngày 15/3/2080 để quan sát hai hành tinh tới gần nhau như vậy lần nữa.
VNE