Nghiên cứu mới cho thấy tàn tích của virus cổ đại còn sót lại trong DNA con người có thể giúp chống lại bệnh ung thư phổi.
Nghiên cứu do Viện Francis Crick phối hợp với tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh thực hiện. Virus có tên gọi retrovirus nội sinh, không hoạt động ở hầu hết mọi người, nhưng có thể "thức tỉnh" trong các mô ung thư. Retrovirus là một loại virus chui vào DNA của tế bào vật chủ, kiểm soát, đảo ngược cách thức hoạt động của tế bào đó.
Qua nghiên cứu mô ung thư phổi ở cả chuột và người, các nhà khoa học phát hiện khi virus được kích hoạt, chúng có thể tạo phản ứng miễn dịch tế bào B - các tế bào bạch cầu tạo kháng thể tiêu diệt bệnh tật. Khi các retrovirus nội sinh cổ đại thức dậy trong vùng có khối u, cơ thể có phản ứng sinh học để chống lại ung thư.
"Hệ thống miễn dịch bị đánh lừa, tin rằng tế bào khối u đã nhiễm bệnh và cố gắng loại bỏ virus. Vì vậy, nó đóng vai trò báo động", giáo sư George Kassiotis, Trưởng phòng thí nghiệm Miễn dịch học virus tại Viện Francis Crick, cho biết.
Phát hiện này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc tạo ra phương pháp điều trị ung thư phổi hiệu quả. Theo giáo sư Kassiotis, nếu thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, giới chuyên gia có thể tìm ra cách điều chế loại vaccine ung thư chứa gene của retrovirus, tăng cường kháng thể tại vị trí khối u của bệnh nhân, hy vọng cải thiện hiệu quả điều trị.
"Retrovirus đã ẩn náu trong bộ gene của con người hàng nghìn đến hàng triệu năm. Thật vui khi thấy rằng mầm bệnh của tổ tiên chúng ta có thể là chìa khóa để điều trị bệnh ngày nay", ông nói thêm.
Julian Downward, Phó giám đốc nghiên cứu, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sinh học Oncogene tại Francis Crick, cho biết công trình mở ra nhiều cơ hội mới để cải thiện phản ứng của bệnh nhân khi tiếp nhận liệu pháp miễn dịch. Đây là bước quan trọng trong việc giúp nhiều người sống sót sau ung thư phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai toàn cầu. Đây là bệnh ung thư phát triển nhiều nhất ở nam giới. Năm 2021, thế giới ghi nhận 2,2 triệu ca mắc mới.
Ung thư phổi có thể tiến triển nhanh, trung bình từ 220 đến 640 ngày tính từ giai đoạn đầu và thường không có triệu chứng trong giai đoạn này. Bệnh tiến triển phụ thuộc một phần vào loại ung thư, gồm ung thư phổi tế bào nhỏ và tế bào không nhỏ. Chụp cắt lớp vi tính phổi (CT) có thể chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm và các phương pháp điều trị sẽ có hiệu quả cao hơn khi triển khai ngay ở giai đoạn đầu.
Theo vnexpress.net