Nhóm các nhà cổ sinh vật học đã công bố phát hiện vết tích hóa thạch biển lớn ở sa mạc Peru, dường như có khối lượng lớn hơn cá voi xanh - loài động vật nặng nhất Trái Đất.
Theo đài Sputnik (Nga), loài động vật mới được đặt tên là Perucetus colossus - cá voi khổng lồ Peru. Các nhà nghiên cứu tại Đại học San Marcos ở Lima đã lần đầu phát hiện xương của con cá voi cổ đại cách đây hơn 10 năm. Nhưng phải mất nhiều năm khai quật, các nhà khảo cổ mới có thể tìm thấy và phục hồi hoàn toàn phần còn lại của hóa thạch từ một khối đá ở sa mạc miền nam Peru, nơi hàng chục triệu năm trước từng là đáy biển.
Ông Alberto Collareta, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Pisa, người đã nghiên cứu về hóa thạch này, cho biết: “Hoá thạch này rất khác với những hoá thạch tôi từng thấy trước đây. Đây là bộ xương động vật có vú nặng nhất, có thể là loài động vật có xương sống nặng nhất từ trước đến nay”.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập được 13 đốt xương sống, 4 xương sườn và 1 xương hông cá voi. Mỗi đốt xương sống nặng hơn 100 kg và xương sườn dài gần 1,5m. Họ ước tính hóa thạch này khoảng 39 triệu năm tuổi.
Các nhà cổ sinh vật học cho rằng con cá voi khổng lồ thời tiền sử này có trọng lượng cơ thể khoảng 85 tới 340 tấn kg. Trong khi đó, những con cá voi xanh lớn nhất Trái Đất thường chỉ nặng khoảng 200 tấn. Nếu trọng lượng thực tế tương đương với ước tính này, thì cá voi khổng lồ Peru chính loài động vật nặng nhất từng được phát hiện.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cho rằng con cá voi hóa thạch này chỉ dài khoảng 20 mét, ngắn hơn cá voi xanh. Loài cá voi xanh phát triển có chiều dài cơ thể tới 30 mét. Nhóm nghiên cứu cũng mô tả cá voi khổng lồ Peru giống lợn biển hiện đại với phần đầu rất nhỏ, cơ thể khổng lồ, tay và chân nhỏ xíu.
Cho đến nay, cá voi xanh là loài động vật có trọng lượng cơ thể lớn nhất Trái Đất. Bộ xương khổng lồ của cá voi xanh Hope được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, dài hơn 25 m và nặng 4,5 tấn.
Theo baotintuc.vn