Bộ đôi tàu thăm dò sao Hỏa phát hiện một loại đá lửa rất ignimbrite trên Trái Đất, hé lộ lịch sử phun trào dữ dội của hành tinh.
Khu vực Nili Fossae của sao Hỏa bao gồm hố va chạm Jezero, nơi tàu thám hiểm Perseverance của NASA đang khám phá, có rất nhiều hòn đá tảng chứa đầy khoáng vật núi lửa olivin. Điều tương tự cũng được tìm thấy tại miệng hố Gusev, nơi tàu Spirit của NASA từng hoạt động cho đến khi kết thúc sứ mệnh vào năm 2010, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Icarus do Đại học Bang Arizona của Mỹ dẫn đầu.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận điểm tương đồng về địa chất giữa hai khu vực, cho thấy chúng có thể được hình thành bởi các quá trình tương tự. Nhóm nghiên cứu sau đó đã so sánh hình ảnh chụp bởi tàu Spirit về đá ở miệng hố Gusev với hình ảnh về đá trên Trái Đất và cũng nhận thấy mối liên hệ giữa chúng.
"Đó là một khám phá tuyệt vời," tác giả chính của nghiên cứu Steve Ruff tại Đại học Bang Arizona nhấn mạnh. "Tôi đã nhìn thấy kết cấu trong đá của miệng hố Gusev rất giống một loại đá núi lửa cụ thể được tìm thấy trên hành tinh của chúng ta. Đó là đá lửa ignimbrite, được tạo ra từ tro bụi, đá bọt và dòng chảy nham thạch của những vụ phun trào mãnh liệt".
Trước đây, chưa có giả thuyết nào đề xuất rằng ignimbrite có liên quan đến những tảng đá giàu olivin trên sao Hỏa. Nếu phát hiện mới là chính xác, nó có nghĩa các vụ phun trào trong quá khứ trên hành tinh đỏ dữ dội hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
"Hãy tưởng tượng một đám mây khí nóng bay sát mặt đất, tro gần như nóng chảy và đá bọt chảy qua cảnh quan hàng chục dặm, chất thành từng lớp dày tới hàng trăm feet ( 1 feet xấp xỉ 0,3 m) chỉ trong vài ngày", Ruff mô tả.
Để xác nhận sự hiện diện của đá lửa ignimbrite trên sao Hỏa, các nhà khoa học có lẽ phải chờ cho đến khi tàu lấy mẫu từ Perseverance trở lại Trái Đất để nghiên cứu nó trong phòng thí nghiệm.
VNE