Các nhà thiên văn học tìm thấy một ngoại hành tinh "trung gian" cách xa 138 năm ánh sáng có thể chứa đầy nước và đang biến đổi.
Theo nghiên cứu xuất bản trên arXiv, hành tinh mới có tên là HD 207496b quay quanh ngôi sao lùn HD-207496 với chu kỳ quỹ đạo chỉ 6,44 ngày. Nó có bán kính gấp 2,25 lần và khối lượng lớn hơn 6,1 lần so với Trái Đất, Science Alert hôm 13/3 đưa tin.
Các nhà thiên văn học đã tìm thấy HD 207496b bằng Kính viễn vọng Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, sau đó sử dụng Công cụ Tìm kiếm Hành tinh Vận tốc xuyên tâm độ chính xác cao (HARPS) trên kính viễn vọng 3,6 m tại Đài thiên văn La Silla ở Chile để xem xét kỹ hơn.
Họ phát hiện ngoại hành tinh này có mật độ vào khoảng 3,27 g/cm3, nằm ở khoảng giữa so với các hành tinh khí như sao Hải Vương (1,64 g/cm3) và các hành tinh đá như Trái Đất (5,51 gam/cm3). Điều này cho thấy HD 207496b không hoàn toàn là đá.
"HD-207496b có mật độ thấp hơn đáng kể so với Trái Đất và do đó, chúng tôi cho rằng nó có một lượng lớn nước, hoặc khí, hoặc cả hai trong thành phần của nó", nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo. "Bằng cách mô hình hóa cấu trúc bên trong chúng tôi kết luận hành tinh này có lớp vỏ giàu nước, giàu khí, hoặc là hỗn hợp của cả hai".
Mô hình bay hơi tiết lộ rằng nếu HD-207496b có bầu khí quyển giàu khí hydro và heli thì trạng thái đó chỉ là tạm thời, vì ngôi sao chủ của nó sẽ làm "lột xác hoàn toàn" ngoại hành tinh trong vòng 520 triệu năm nữa. Cũng có thể bầu khí quyển của HD-207496b đã hoàn toàn biến mất và HD-207496b hiện là một thế giới đại dương trần trụi.
Sao chủ HD-207496 còn tương đối trẻ, ước triệu chỉ vài trăm triệu năm tuổi, có nghĩa là nó đại diện cho một cơ hội hiếm để nghiên cứu ngoại hành tinh trong giai đoạn đầu trước khi chuyển đổi thành một siêu Trái Đất.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, các nhà thiên văn học muốn mô tả thêm về bầu khí quyển của HD-207496b, nếu có. Điều đó có thể sẽ tiết lộ bản chất thực sự và số phận cuối cùng của thế giới bí ẩn này.
Đoàn Dương (Theo Science Alert)