Một nhóm nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện tuyến nước bọt mới nằm sâu ở phần họng trên trong lúc chụp cắt lớp bệnh nhân ung thư.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng vùng mũi hầu nằm phía sau vòm họng không chứa bất cứ cơ quan nào trừ những tuyến nước bọt cực nhỏ phân tán, nhưng một loạt tuyến nước bọt mới phát hiện dài trung bình 3,9 cm. Do nằm ở phía trên phần sụn gọi là gờ vòi nhĩ, nhóm nghiên cứu đặt tên cho chúng là tuyến nước bọt vòi. Các tuyến này có thể giúp bôi trơn và làm ẩm phần họng trên phía sau mũi và miệng, theo phát hiện công bố trên tạp chí Radiotherapy và Oncology.
Nhóm nghiên cứu ở Viện Ung thư Hà Lan sử dụng kết hợp chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PSMA PET-CT) để nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt. Khi chụp PSMA PET-CT, bác sĩ tiêm chất đánh dấu phóng xạ vào bệnh nhân. Chất này kết hợp với PSMA, protein với nồng độ cao ở tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Chụp PSMA PET-CT cũng giúp phát hiện mô tuyến nước bọt hiệu quả do cơ quan này cũng có lượng PSMA cao. Trước đây, chỉ có 3 tuyến nước bọt lớn được biết tới ở người, gồm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm và sau hàm. Ngoài ra, có hàng nghìn tuyến nước bọt siêu nhỏ nằm rải rác khắp mô niêm mạc thuộc cổ họng và miệng, theo Wouter Vogel, bác sĩ chuyên gia u bướu tại Viện Ung thư Hà Lan, đồng tác giả nghiên cứu.
Để xác nhận phát hiện, Vogel và đồng nghiệp chụp ảnh 100 bệnh nhân (99 người trong số đó là đàn ông do liên quan tới ung thư tuyến tiền liệt) và nhận thấy tất cả họ đều có tuyến nước bọt mới phát hiện. Nhóm nghiên cứu cũng mổ vùng mũi hầu ở hai tử thi trong chương trình hiến xác. Họ xác định tuyến nước bọt này bao gồm mô tuyến niêm mạc và ống dẫn vào vùng mũi hầu. Phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với điều trị ung thư. Các bác sĩ sử dụng bức xạ ở đầu và cổ để điều trị ung thư cần tránh gây kích ứng tuyến nước bọt bởi tổn thương ở những tuyến này có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Theo Vogel, bệnh nhân có thể cảm thấy chán ăn, khó nuốt hoặc nói chuyện.
An Khang