Các chuyên gia Nhật Bản phát hiện một bản thảo về Nho giáo viết trong khoảng thế kỷ 6 - 7 ở Trung Quốc, có ý nghĩa vô giá.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Keio và nhiều viện khác cho biết đây là một trong những bản chép tay cổ nhất từng được tìm thấy tại Nhật Bản ngoài kinh Phật, đồng thời là bản thảo lâu đời nhất nói về Luận ngữ. Luận ngữ được biên soạn bởi các môn sinh sau khi Khổng Tử qua đời. Đây là tập hợp những lời răn dạy và các đối đáp của Khổng Tử về đạo đức, học tập và chính trị. Luận ngữ đóng vai trò như một hệ thống giảng dạy trong nhiều triều đại Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng lớn tới xã hội và văn hóa Nhật Bản, trở thành sách bắt buộc trong các ngôi trường đào tạo võ sĩ thời Edo (năm 1603 - 1867). Nhiều bản thảo có niên đại từ khoảng năm 50 trước Công nguyên được khai quật ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Bản thảo phát hiện gần đây được một sứ thần Nhật Bản mang về nước. Bản thảo này chứa những chú giải do Hoàng Khản (năm 502 - 557), một học giả về Khổng Tử dưới triều Bắc Tống và Nam Tống, biên soạn. Tài liệu sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều gợi ý quan trọng về lịch sử trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Bản thảo bao gồm 20 trang giấy dán liền với nhau tạo thành cuộn dài. Bản thảo còn mang con dấu chứng minh quyền sở của gia tộc Fujiwara thân cận với Nhật hoàng dưới thời Nara (năm 714 - 784) và thời Heian (năm 794-1185).
Đại học Keio mua bản thảo từ một hiệu sách cổ năm 2017. Năm 2018, trường này thành lập nhóm nghiên cứu bao gồm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như văn học Trung Quốc, văn học Nhật Bản, lịch sử, thư mục học, để xác định nguồn gốc bản thảo. Dựa theo hình dáng ký tự, họ kết luận bản thảo nhiều khả năng được viết giữa thời Bắc Tống - Nam Tống và nhà Tùy (năm 581 - 618).
An Khang