Những tác hại khi thức quá lâu

Khi thiếu ngủ 36 giờ, con người có thể tăng các dấu hiệu kích ứng trong máu, thậm chí xuất hiện sự mất cân bằng hormone và trao đổi chất chậm, về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường, bệnh tim, béo phì và trầm cảm.

Những tác hại khi thức quá lâu
Ở tuổi 17, Randy Gardner lập kỷ lục thế giới khi thức hơn 264 giờ. Ảnh: Don Cravens

Năm 1963, chàng trai 17 tuổi Randy Gardner không ngủ suốt 11 ngày 25 phút để phục vụ cho một dự án hội chợ khoa học ở trường trung học tại California, lập kỷ lục thế giới về người thức lâu nhất. Một số người được cho là đã phá vỡ kỷ lục này, ví dụ Robert McDonald thức suốt 18 ngày và gần 22 giờ năm 1986, nhưng không ai được giám sát chặt chẽ hay có bác sĩ theo dõi như Gardner.

Đến năm 1997, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới không còn ghi nhận kỷ lục này. Họ ngừng nhận các hồ sơ mới do những mối nguy hiểm gắn liền với việc thiếu ngủ. Vậy những mối nguy hiểm này là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), giấc ngủ cần thiết cho các chức năng của cơ thể và cảm xúc. Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim, béo phì và trầm cảm. Các chuyên gia cho biết, con người cần ngủ 6 - 8 tiếng cứ mỗi 24 giờ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thức trắng đêm, thậm chí thức suốt 24 tiếng.

Ở giai đoạn thiếu ngủ này, có thể khó phân biệt giữa ngủ và thức, theo Oren Cohen, bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ tại Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York. Cohen cho biết, khi con người bắt đầu trải qua 24 giờ không ngủ, hoạt động não bộ đã có những dấu hiệu cho thấy họ đang ở ranh giới giữa ngủ và thức, dù họ trông có vẻ vẫn tỉnh táo.

Điều này được gọi là xâm nhập giấc ngủ hoặc giấc ngủ vi mô. Những người không ngủ nhiều giờ có vẻ tỉnh táo, nhưng não sẽ rơi vào một dạng ngủ bất thường, có thể bao gồm các khoảng thời gian mất tập trung hoặc ảo giác.

Tuy nhiên, rất khó xác định chính xác xem con người có thể không ngủ bao lâu và thời gian xảy ra các tác dụng phụ. Tình trạng thiếu ngủ dai dẳng có tác hại lớn đến mức việc nghiên cứu ở người bị coi là phi đạo đức, theo tiến sĩ Alon Avidan, người đứng đầu Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ tại Đại học California Los Angeles. Điều này thậm chí từng được sử dụng như một hình thức tra tấn tâm lý.

Dù không thể nghiên cứu tình trạng thiếu ngủ kéo dài, các nhà khoa học có dữ liệu về những người mắc bệnh di truyền hiếm gặp gọi là Mất ngủ gia đình gây tử vong (FFI). Những bệnh nhân này mang một đột biến gene khiến một loại protein bất thường tích tụ trong não, dần dần khiến giấc ngủ tồi tệ hơn. Cơ thể họ bắt đầu suy yếu và cuối cùng chết do protein bất thường tích tụ và phá hủy các tế bào não. Chứng rối loạn này giết chết hầu hết bệnh nhân trong vòng trung bình 18 tháng.

Ở động vật, một nghiên cứu năm 1989 trên chuột cho thấy, chúng chỉ có thể không ngủ khoảng 11 - 32 ngày trước khi mất mạng.

Những tác hại khi thức quá lâu
Thức suốt 24 giờ làm giảm khả năng phối hợp giữa tay và mắt tương đương với nồng độ cồn trong máu là 0,1%. Ảnh: Thianchai Sitthikongsak

Theo nghiên cứu trên người xuất bản trên tạp chí Nature and Science of Sleep năm 2019, mức tỉnh táo của người tham gia tương đối bình thường nếu thiếu ngủ 16 tiếng. Nhưng sau 16 tiếng, sự thiếu tập trung của họ tăng lên đáng kể và thậm chí còn tệ hơn với những người bị mất ngủ mãn tính. Một nghiên cứu từ năm 2000 phát hiện, việc thức trong 24 giờ làm giảm khả năng phối hợp giữa tay và mắt tương đương với khi nồng độ cồn trong máu là 0,1%.

Theo trung tâm y tế Cleveland Clinic, những tác hại của việc thiếu ngủ 24 giờ bao gồm giảm thời gian phản ứng, nói lắp bắp, giảm khả năng ra quyết định, giảm trí nhớ và sự tập trung, dễ cáu kỉnh, suy giảm thị lực, giảm khả năng nghe và phối hợp tay - mắt, run rẩy.

Khi thiếu ngủ 36 giờ, con người có thể tăng các dấu hiệu kích ứng trong máu, thậm chí xuất hiện sự mất cân bằng hormone và trao đổi chất chậm. Nghiên cứu về những gì xảy ra sau 72 giờ rất ít, nhưng con người có thể trở nên lo lắng, buồn phiền, ảo giác và gặp rắc rối với chức năng điều hành.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Medical Education năm 2021, các bác sĩ phẫu thuật ở Israel có biểu hiện hấp tấp hơn, xử lý nhận thức chậm hơn và suy giảm chức năng điều hành so với trước khi bắt đầu ca làm việc kéo dài tới 26 tiếng. Công nhân làm việc theo ca cũng đứng trước nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ kém vì họ thường xuyên ngủ không đủ giấc, không phải lúc nào cũng có thể ngủ vào giờ cố định và thường xuyên phải ngủ khi trời sáng, mâu thuẫn với chu kỳ thức - ngủ tự nhiên của con người.

Điều quan trọng cần nhớ là không thể bù đắp cho việc thiếu ngủ vào ngày hôm sau hay cuối tuần. Sự thiếu ngủ mang tính tích lũy, nên người đó phải gánh chịu một loại "nợ ngủ". Avidon cho biết, cứ mỗi giờ mất ngủ thì cần ngủ đủ 8 tiếng để phục hồi.

Thiếu ngủ cũng nguy hiểm vì một lý do khác. Dù tác động đến sự tập trung có thể nghiêm trọng, người ta có thể không tự nhận ra. Giống như người say rượu nghĩ rằng họ lái được xe, người thiếu ngủ có thể cảm thấy vẫn ổn. "Họ không biết mình đang bị mất tập trung", Cohen giải thích.

Thu Thảo (Theo Live Science)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy