Những động vật nào có thể tuyệt chủng vào năm 2050?

Gần 1/3 số loài động vật trên Trái Đất hiện có nguy cơ tuyệt chủng với nhiều trường hợp có thể biến mất chỉ trong vài thập kỷ tới.

Hành tinh xanh đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng sự kiện thứ 6 có thể đang diễn ra do hoạt động của con người kể từ "kỷ nguyên khám phá".

Theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), khoảng 41.000 loài động vật - chiếm gần 1/3 tổng số được đánh giá - đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có nhiều loài và phân loài nổi tiếng như đười ươi Sumatra (Pongo abelii), báo Amur (Panthera pardus orientalis), voi Sumatra (Elephas maximus sumatranus), tê giác đen (Diceros bicornis), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), khỉ đột sông Cross (Gorilla gorilla diehli) và hổ Sunda (Panthera tigris sondaica).

Những động vật nào có thể tuyệt chủng vào năm 2050
Một con báo Amur non tại vườn thú Leipzig ở Đức vào ngày 23/11/2021. Ảnh: AFP

IUCN mô tả mức độ cực kỳ nguy cấp là "một danh mục chứa những loài có nguy cơ tuyệt chủng cực cao do số lượng giảm nhanh từ 80% đến hơn 90% trong 10 năm (hoặc ba thế hệ), quy mô dân số hiện tại dưới 50 cá thể, hoặc những yếu tố khác".

Nhiều loài trong danh mục này đang bị đe dọa đến mức chúng có thể không tồn tại đến năm 2050. Ví dụ, chỉ còn 70 con báo Amur trong tự nhiên, trong khi cá heo California - loài động vật biển có vú quý hiếm nhất thế giới - chỉ còn lại 10 cá thể, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Ngoài ra, có vô số loài ít được biết đến cũng đang gặp nguy hiểm. Một đánh giá năm 2019 xuất bản trên tạp chí Biological Conservation cho thấy hơn 40% các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có những loài cực kỳ nguy cấp như châu chấu râu trắng (Chorthippus acroleucus), dế bụi phía nam dãy Alpine (Anonconotus apenninigenus), bướm xanh Swanepoel (Lepidochrysops swanepoeli), ong nghệ Franklin (Bombus franklini) và châu chấu không cánh Seychelles (Procytettix fusiformis).

Trong một báo cáo vào năm 2018, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nói rằng hơn 90% rạn san hô trên thế giới có thể chết vào năm 2050 ngay cả khi đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5℃.

Những động vật nào có thể tuyệt chủng vào năm 2050
San hô rất dễ bị tổn thương do hiện tượng tẩy trắng khi nước biển ấm lên. Ảnh: Lea McQuillan

Tương lai của động vật lưỡng cư cũng không sáng sủa hơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature năm 2022 ghi nhận 2/5 số loài lưỡng cư đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vào năm 2050, 35% loài ếch có thể biến mất tại các vùng nhiệt đới ẩm ướt của Australia.

Trong khi hiện tượng tuyệt chủng xảy ra trong tự nhiên, hoạt động của con người có thể đẩy nhanh tốc độ biến mất của một loài.

"Các hệ sinh thái trên đảo là ví dụ hoàn hảo để minh họa điều này. Chúng bị cô lập và thường có mức độ đặc hữu cao. New Zealand đã báo cáo sự sụt giảm từ khoảng 230 loài chim vào thời điểm con người xuất hiện xuống còn khoảng 150 loài hiện nay - mất khoảng 80 loài chim", Nic Rawlence, Giảng viên cao cấp về ADN cổ đại tại Khoa Động vật học thuộc Đại học Otago của New Zealand, cho biết.

Nếu có đủ thời gian, nhiều loài có thể thích nghi với những thay đổi khí hậu và thay đổi môi trường tự nhiên của chúng. Một nghiên cứu trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution năm 2021 đã nhận thấy một số loài động vật "đang thay đổi hình thái" để đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, trong đó các loài chim dường như dễ thích nghi nhất. Theo nghiên cứu, một số loài vẹt Australia trong 150 năm qua đã tiến hóa để có kích thước mỏ tăng lên, một sự thích nghi cho phép chúng điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể tốt hơn.

Tuy nhiên, với hoạt động của con người làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và tàn phá của môi trường, những loài động vật dễ bị tổn thương nhất sẽ không kịp thích nghi.

Theo Rawlence, để bảo vệ đa dạng sinh học còn lại trên Trái Đất, chúng ta cần biết nó phản ứng như thế nào với biến đổi khí hậu và tác động của con người trong cả quá khứ và hiện tại, để có thể dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai, từ đó thực hiện các chiến lược bảo tồn hiệu quả.

Theo vnexpress.net

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.