Kính thông minh có thể trở thành công cụ theo dõi, phục vụ nhiều mục đích xấu, bất chấp nỗ lực quảng cáo từ Facebook, Google...
Một phóng viên Mỹ từng bị hành hung vì đeo kính Google Glass. Một người phụ nữ bị la ó khi đeo kính của Google vào quán bar ở San Francisco. Sòng bài ở Las Vegas cấm người chơi dùng chiếc kính thông minh này. Hàng loạt nghị sĩ Mỹ từng gửi thư đến Larry Page để bày tỏ lo ngại về thiết bị đeo của hãng.
Kính Google Glass, ra đời từ năm 2013, đã để lại nhiều định kiến với xã hội, dù Google nỗ lực biến nó thành sản phẩm hấp dẫn, như đưa nó lên trang bìa tạp chí Vogue và để nhà thiết kế Diane von Furstenberg đeo sản phẩm ở Tuần lễ Thời trang New York. Cuối cùng, năm 2015, Google tuyên bố ngừng sản xuất Glass.
Thiết bị từng được kỳ vòng tạo bước đột phá công nghệ lại trở thành biểu tượng của mọi điều sai trái ở Thung lũng Silicon.
Facebook đã tiếp thu nhiều bài học từ Google trước khi tung ra kính thông minh Ray-Ban Stories tuần trước. Tuy nhiên, theo Business Insider, có vẻ Facebook chỉ nghĩ rằng Glass quá đắt và mang vẻ ngoài kì dị, trong khi vấn đề thật sự nằm ở nguy cơ sản phẩm này bị lạm dụng để theo dõi, xâm phạm quyền riêng tư của người khác dưới vỏ bọc thiết bị công nghệ hiện đại.
Mở rộng khả năng theo dõi
Kính thông minh Stories là tác phẩm hợp tác của Facebook với Ray-Ban, được trang bị hai camera với khả năng chụp ảnh và quay phim, tích hợp loa ở gọng kính. Nó có nút bấm trên gọng kính hoặc kích hoạt bằng giọng nói.
Glass có giá 1.500 USD, được bán trực tiếp bởi Google. Sản phẩm đặt hệ thống xử lý ấn tượng lên khuôn mặt người dùng với thiết kế khác lạ và dễ nhận biết.
Trong khi đó, Stories có giá 299 USD và tận dụng tối đa mạng lưới nhà phân phối của Ray-Ban. Thiết bị về cơ bản là chiếc kính tích hợp camera, nên không khác gì một chiếc kính Ray-Ban thông thường.
Tuy nhiên, điểm chung của cả hai là can thiệp vào những quy tắc riêng tư thông thường, cũng như biến hàng loạt hành động thường ngày thành dữ liệu cho thuật toán của các tập đoàn công nghệ.
Con người sống trong thế giới tràn ngập smartphone, nhưng họ biết ai đang giơ điện thoại lên chụp ảnh. Còn với Stories lại khó phát hiện hơn. Kính Stories không sáng tạo ra khả năng theo dõi, nhưng chúng khiến việc này đơn giản hơn rất nhiều. Sản phẩm được lắp một đèn nhỏ phát sáng khi người dùng quay phim hoặc chụp ảnh, nhưng rất dễ bị che kín bằng băng dính.
Những người chỉ trích Facebook thường bị đáp trả rằng "đừng dùng Facebook nếu không thích nó". Nhưng sự xuất hiện của Stories sẽ thay đổi điều này. Họ có thể lựa chọn không dùng Facebook và không mua Stories, nhưng không thể ngăn người khác quay phim chính mình bằng Stories.
Theo các chuyên gia, việc tung thiết bị ra thị trường có thể coi là thử nghiệm xã hội nhằm xác định cộng đồng sẵn sàng để quyền riêng tư bị xâm phạm đến mức nào trong nỗ lực thu lời của Facebook.
Các thiết bị công nghệ giống như con ngựa Trojan được các hãng công nghệ sử dụng để khiến người dùng quen dần với việc cung cấp thông tin cho họ. Từ điện thoại, loa cho đến kính thông minh và trợ lý ảo, cách tốt nhất để tiến sâu vào đời sống riêng tư của người dùng chính là khẳng định những thiết bị này sẽ cải thiện cuộc sống, nâng cao trải nghiệm của họ. Đến khi người dùng nhận ra mặt tối của vấn đề, chúng đã trở nên quá quen thuộc và khó thay thế.
Theo Business Insider, Facebook khôn ngoan khi không gắn thương hiệu của họ vào kính Stories, trong bối cảnh công ty liên tục bị chỉ trích vì thu thập dữ liệu từ người dùng. Câu hỏi không phải Stories làm được gì bây giờ, mà nó có thể làm gì trong tương lai. Người dùng cần tính đến những cách mà Stories có thể bị lạm dụng để theo dõi và quấy rối, thay vì chỉ nghĩ về các lợi ích nó mang lại.
VNE