Thông tin của doanh nghiệp và các bộ, ngành đang được cập nhật trên cổng dữ liệu quốc gia, nhưng còn rất sơ khai.
Hai phân hệ chính trên cổng dữ liệu quốc gia hiện nay gồm dữ liệu của các cơ quan nhà nước và cổng dữ liệu mở, được cung cấp trên website https://data.gov.vn hoặc https://open.data.gov.vn. Trong đó, dữ liệu mở được công khai, người dân có thể tự do tra cứu.
Đến ngày 31/8, cổng dữ liệu quốc gia đã có khoảng 10 nghìn bộ dữ liệu mở thuộc 12 lĩnh vực: Y tế, Lao động, Công nghệ, Nông nghiệp, Kinh tế - Thương mại, Cơ sở hạ tầng, Tài chính, Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Xã hội, Môi trường, Địa phương. Theo các chuyên gia, đây là nguồn dữ liệu lớn, giúp các doanh nghiệp công nghệ số có thể tiếp cận để phát triển sản phẩm.
Chẳng hạn, khi cần biết danh sách các trường học tại tỉnh Bình Phước. Người dùng có thể truy cập vào cổng dữ liệu mở, chọn lĩnh vực Giáo dục, lọc với từ khóa "Bình Phước"; hoặc chọn mục "Địa phương", tìm tỉnh Bình Phước, sau đó lọc dữ liệu về lĩnh vực Giáo dục. Danh sách các trường tại Bình Phước theo dữ liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp sẽ hiển thị đầy đủ.
Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu trên cổng còn ở mức sơ khai. Thang đo "mức độ trưởng thành về dữ liệu" của tổ chức nghiên cứu thị trường Gartner gồm năm mức: Chưa nhận thức, Phân mảnh, Chuẩn hóa, Quản lý, Tối ưu. Theo đó, Việt Nam đang ở giữa mức Phân mảnh và Chuẩn hóa, theo đánh giá của Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia ngày 31/8, tám đơn vị đã ký biên bản thúc đẩy dữ liệu mở, gồm Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Sáng 1/9, nhiều dữ liệu mới của các đơn vị này đã được cập nhật lên hệ thống.
Việc khởi động cổng dữ liệu quốc gia sẽ tác động đến chỉ số về dữ liệu mở của chính phủ (OGDI) - một trong những chỉ số quan trọng trong việc đánh giá mức độ phát triển Chính phủ số. Hiện OGDI tại Việt Nam là 0,676, ở mức trung bình của khu vực, trong khi Thái lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều thuộc nhóm Rất cao.
Trong báo cáo được công bố mới đây của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đứng thứ 86 thế giới, 24/47 tại châu Á và thứ 6/11 tại Đông Nam Á về mức độ phát triển Chính phủ điện tử. Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện thứ hạng lên 10 - 15 bậc trong báo cáo năm 2022.
Lưu Quý