Một động tác rất quan trọng, nhưng lại thường bị xem nhẹ, dẫn tới điều hòa/máy lạnh hoạt động không đúng công suất, và dễ hỏng hóc.
Hà Nội và TP. HCM đều đang bước sang mùa nóng với mức nhiệt trong khu vực gia tăng đáng kể, dẫn tới nhu cầu sử dụng tăng cao của các thiết bị làm mát như quạt, điều hòa, máy lạnh.
Đối với những hộ đã lắp sẵn điều hòa không khí, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đơn giản là tìm chiếc điều khiển, sau đó bật chúng lên là đã có thể "đánh bay" cái nóng.
Tuy nhiên sau một thời gian dài không sử dụng, toàn bộ hệ thống điều hòa gồm dàn lạnh, cục nóng chắc chắn sẽ bám rất nhiều bụi, khiến chúng không còn hoạt động đúng với công suất ban đầu. Một số trường hợp còn ghi nhận dị vật (côn trùng chết, mảnh tường vỡ, mạng nhện,...) bên trong, khiến máy dễ bị chập điện khi hoạt động, làm giảm độ bền.
Ngay cả khi chiếc điều hòa được bảo quản trong điều kiện tốt, tấm lưới lọc bên trong chắc chắn sẽ là "ổ" chứa bụi, vi khuẩn, do bị bỏ quên từ đầu mùa lạnh tới nay. Còn đa số người dùng thì thường bỏ quên thao tác vệ sinh thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.
Vệ sinh điều hòa - tưởng dễ, mà khó
Quy trình bảo dưỡng điều hòa thông thường sẽ gồm 4 thao tác: vệ sinh máy (lưới lọc bụi, khoang chứa cánh quạt, màng chứa nước ngưng cục lạnh,…), kiểm tra vỏ máy, các điểm nối điện và khả năng lưu thông gió của dàn nóng/lạnh.
Đầu tiên, cần dọn sạch bụi bẩn tại khu vực dàn lạnh và cục nóng. Tiếp theo, tiếp tục kiểm tra mối nối gas và mối nối điện để đảm bảo không bị rò rỉ gas, điện gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.
Đối với tấm lưới lọc, người dùng có thể nâng nhẹ nắp điều hòa, và lấy chúng khỏi dàn lạnh. Sau đó, ngâm trong nước, dùng giẻ lau hoặc bọt biển để cọ rửa nhẹ nhàng, loại bỏ bụi bẩn. Sau đó để lưới lọc thật khô ráo.
Đối với phần cánh quạt ở cục nóng, người dùng có thể vệ sinh bằng cách dùng bình xịt chuyên dụng mua tại cửa hàng tạp hóa, hoặc thiết bị điều hòa.
Trong quá trình thao tác, cần tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch, thường là phía trên máy nén.
Cũng nên lưu ý không được để dàn lạnh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay mưa gió, tránh làm hư bo mạch.
Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng trong năm, nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh thì nên bảo dưỡng điều hòa sau khoảng từ 3-4 tháng (tùy vào mức độ sử dụng thường xuyên).
DT