Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời khi nào lộ diện?

Nghiên cứu mới bổ sung thêm các quan sát cho thấy khả năng tồn tại một hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.

Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời khi nào lộ diện
Cho đến nay các nhà thiên văn học vẫn đang đi tìm kiếm hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời. Ảnh: Caltech

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Thiên văn học, giáo sư thiên văn học hành tinh Michael Brown và đồng nghiệp của ông là nhà vật lý thiên văn Konstantin Batygin thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) ở thành phố Pasadena, tiểu bang California, Mỹ, vẫn tiếp tục đi sâu tìm kiếm hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời như giả thuyết họ đã từng đưa ra vào năm 2016.

Trải qua nhiều năm tìm kiếm nhưng không có kết quả, trong nghiên cứu mới nhất này, hai nhà khoa học Brown và Batygin đã bổ sung thêm một số quan sát gần đây về các vật thể không gian có phân cụm và tính toán khả năng tồn tại hành tinh thứ 9 mà họ cho rằng chắc chắn đang tồn tại đâu đó ngoài kia. Các nhà khoa học cũng đưa ra một ''bản đồ kho báu'' về quỹ đạo dự kiến của hành tinh thứ 9 để giúp các nhà thiên văn định hướng được những nơi phù hợp nhất để tìm kiếm hành tinh này.

Giáo sư Michael Brown đang nghiên cứu một loạt các dữ liệu khảo sát thiên văn để hy vọng có được cái nhìn đầu tiên về hành tinh thứ 9. Nếu không thành công, ông hy vọng sẽ thu được kết quả khả quan hơn từ dữ liệu khảo sát của một kính thiên văn khổng lồ mới ở Đài quan sát Vera Rubin ở bắc Chile, dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2023.

Theo một trong những kết quả đạt được trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học đã phác họa được quỹ đạo của hành tinh thứ 9 gần với Mặt trời hơn so với đề xuất của nghiên cứu năm 2016, với quỹ đạo kéo dài chỉ bằng 380 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời ở thời điểm gần nhất.

Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời khi nào lộ diện
Cho đến nay vị trí của hành tinh số 9 trong Hệ Mặt trời vẫn đang là bí ẩn. Ảnh: Caltech

Theo ông Brown, quỹ đạo gần hơn sẽ khiến hành tinh thứ 9 sáng hơn và dễ quan sát hơn rất nhiều, mặc dù các tính toán cho thấy hành tinh này cũng nhỏ hơn một chút, chỉ bằng 6 lần khối lượng Trái đất, thay vì 20 lần như ước tính trước đây.

“Nhờ khoảng cách gần hơn, nên ngay cả khi hành tinh này nhỏ hơn một chút, nó vẫn sáng hơn một chút so với dự đoán ban đầu của chúng tôi'' - giáo sư Brown nói.

Nếu Hành tinh thứ 9 tồn tại, có lẽ nó sẽ là một hành tinh khí rất lạnh giống như sao Hải Vương, chứ không phải là một hành tinh đá như Trái đất. Tuy nhiên hành tinh này sẽ nhỏ hơn đáng kể so với sao Hải Vương. Để so sánh, sao Hải Vương có khối lượng gấp 17 lần Trái đất. Và khoảng 6 đến 10 lần khối lượng Trái đất là kích thước phổ biến nhất của các hành tinh khí khổng lồ mà các nhà thiên văn học nhìn thấy ở những nơi khác trong thiên hà của chúng ta, mặc dù cho đến nay là chưa từng có trong Hệ Mặt trời.

Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh số 9 có thể đã hình thành ở khoảng cách rất xa so với đĩa khí xung quanh Mặt trời thuở sơ khai, nhưng có vẻ như nó hình thành tương tự ở khoảng cách tương tự sao Thiên Vương và sao Hải Vương với Mặt trời, nhưng nó đã bị văng ra vùng ngoài của Hệ Mặt trời bởi lực hấp dẫn mạnh của sao Thổ.

Giáo sư Brown đã bác bỏ giả thuyết của các nhà thiên văn học hồi năm ngoái rằng hành tinh số 9 thực sự có thể là một lỗ đen quay quanh Mặt trời.

Mặc dù các kết quả nghiên cứu của giáo sư Brown và đồng nghiệp đã đưa ra các ý tưởng tốt hơn để nâng cao khả năng tìm kiếm hành tinh số 9, một số nhà thiên văn học khác vẫn còn nhiều hoài nghi về sự tồn tại của hành tinh này. Họ cho rằng, điều này vẫn chỉ là phỏng đoán cho đến khi có các bằng chứng thuyết phục hơn.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy