Vệ tinh Enceladus, được giới khoa học đánh giá như mặt trăng của Sao Thổ, có điều kiện tốt hơn cho sự sống. Đây là kết luận được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy đại dương trên Enceladus có thể chứa nhiều phosphor hòa tan, một khoáng chất quan trọng của sự sống.
Một cậu bé quan sát màn sương phun ra bởi mô hình "Mặt trăng của Sao Thổ (Enceladus)" tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Los Angeles, Hoa Kỳ, vào ngày 12/10/2014. Ảnh: english.news.cn
Enceladus, là mặt trăng thứ 2 được phát hiện bay quanh Sao Thổ, có một lớp băng dày phủ trên bề mặt đại dương. Các nhà khoa học đã tìm thấy 5 chất hóa học rất cần thiết cho sự sống trong cấu trúc này gồm carbon, hydro, nitro, oxy và sulphur. Đây là lần đầu tiên phát hiện ra phosphor. Do trước đó chưa từng phát hiện ra phospho, một chất quan trọng có trong thành phần xương, tế bào và ADN của con người và động vật, nên các nhà khoa học cho rằng Enceladus không phải là nơi có điều kiện phù hợp với sự sống.
Tuy nhiên, mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã tìm ra những bằng chứng mới phản biện giả thuyết này, theo đó lần đầu phát hiện ra phosphor dưới dạng muối phosphate trong đại dương của Emceladus. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tạo ra một mô hình tương tác để mô phỏng cấu trúc địa hóa học của tầng đáy đại dương trên Enceladus. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, Hao Jihua, từ Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc, nước biển trên Enceladus có hàm lượng muối rất cao và thiếu oxy, giống như nước soda trên Trái Đất.
Trong môi trường như vậy, phải mất khoảng 100.000 năm để phosphor từ những tảng đá dưới đáy đại dương có thể hòa tan vào nước biển. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết nước trong đại dương của Enceladus có thể đã tồn tại hơn 100 triệu năm. Với lịch sử lâu dài như vậy, những lượng lớn phosphor từ đá trên hành tinh này có thể đã được giải phóng vào đại dương.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí của Học viện Khoa học quốc gia Mỹ. Theo các nhà khoa học, dù chưa thực sự tìm thấy phospho nhưng nghiên cứu này cung cấp một thông tin khoa học tham khảo để phục vụ các nghiên cứu về điều kiện sống trên Enceladus trong tương lai.
Lê Ánh (TTXVN)