Ủy ban Nobel quyết định trao giải thưởng về y sinh năm 2022 cho nhà khoa học Svante Pääbo của Thụy Điển “vì những khám phá của ông liên quan đến bộ gen của các loài vượn đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người”.
Ủy ban Nobel cho biết Pääbo, một nhà di truyền học người Thụy Điển, “đã hoàn thành một điều dường như không thể” khi ông giải trình tự bộ gen của loài Neanderthal đầu tiên và phát hiện ra rằng người tinh khôn (Homo sapiens) lai với người Neanderthal.
Nhờ công trình nghiên cứu của ông, các nhà khoa học có thể so sánh bộ gen của người Neanderthal với hồ sơ di truyền của người sống ngày nay.
Năm 2021, giải Nobel Y sinh được trao cho hai nhà khoa học Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.
Giải Nobel Y sinh đã được trao 112 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Trong năm 2020, giải thưởng danh giá này đã thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Charles M.Rice (cùng là người Mỹ) và Michael Houghton (người Anh) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD./.
Theo VOV.VN