Đây là dự án đầy triển vọng nhằm khôi phục những rạn san hô đã bị thiên tai tàn phá nặng nề.
Cách đây hai năm, cơn bão Mangkhut quét qua Hong Kong để lại nhiều thiệt hại cho các vùng biển, trong đó có các rạn san hô.
Ước tính, 80% san hô ở nhiều công viên hải dương học nơi đây chết sau thiên tai. Nhiều rạn san hô bị vỡ vụn và không còn khả năng phát triển tiếp.
Theo các chuyên gia từ Đại học Hong Kong, ít nhất 30 năm sau, số lượng san hô mới trở lại như cũ.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học bắt tay thực hiện một dự án dài hơi giúp tái tạo san hô. Trong đó, điểm nhấn là dùng máy in 3D hỗ trợ san hô phát triển và sinh sản.
Theo The Guardian, nhóm dùng đất sét kèm theo các chất kết dính thân thiện môi trường, rồi đưa vào máy in 3D tạo ra những viên gạch đặc biệt. Mỗi viên nặng khoảng 20kg, đường kính khoảng 65cm.
Gạch không cố định, có thể hình tròn, ngũ giác hay lục giác. Trên bề mặt, nhóm khoét những đường rãnh trông như những nếp nhăn trên vỏ não.
Mỗi viên gạch được thiết kế những nơi đặt san hô con bên trong. Từ đó, san hô có môi trường phát triển theo đúng hình dạng thiết kế sẵn.
Gạch còn đóng vai trò như bức "tường thành" bảo vệ san hô còn nhỏ khỏi các loài sinh vật gây hại hay những dòng nước chuyển động mạnh.
Dự án này do Phòng nông nghiệp, thủy sản và bảo tồn Hong Kong và Viện khoa học biển Swire (SWIMS), thuộc Đại học Hong Kong (HKU) thực hiện.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu cho lắp đặt 128 viên gạch ở ba khu vực trong vùng biển Hong Kong.
Nhóm dành nhiều thời gian phân tích xu hướng phát triển của san hô đặc trưng ở đây để thiết kế tỉ mỉ từng viên gạch. Việc này giúp hạn chế sự khác biệt sinh trưởng của san hô so với ngoài thực tế.
Nhóm cũng không dùng bêtông hay kim loại để tránh gây hại cho môi trường biển. Ngoài ra, các rãnh trên gạch của san hô cũng được thiết kế sao cho các sinh vật biển cỡ nhỏ có thể dễ dàng vào trong tìm chỗ trú ẩn như với san hô thật.
Bước đầu, nhóm chọn ba loài san hô acropora, platygyra và pavona nuôi xen kẽ trong các viên gạch. Trong hai năm tiếp theo, nhóm sẽ thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của san hô.
Tiến sĩ David Baker - giám đốc SWIMS - lý giải, với những vùng biển vừa bị bão tàn phá, trồng lại san hô trực tiếp lên các lớp cát dưới đáy biển là rất khó. San hô có nguy cơ bị các dòng nước đưa đi xa hoặc nhấn chìm trong những lớp cát.
Hiện tại, công nghệ này cũng được áp dụng tại nhiều vùng san hô đang bị tổn hại khác như ở Pháp, Maldives hay ở biển Caribê. "In 3D sẽ là giải pháp hàng đầu để tái tạo các rạn san hô trên khắp thế giới", ông Baker nói.
Hoàng Thi