Một giống cây cải sắp được sử dụng để thay thế dầu mỏ làm nhiên liệu phản lực, có khả năng giảm tới 68% lượng khí thải.
Hàng không là một trong những ngành công nghiệp cần thiết số 1 trên thế giới, nhưng cũng đồng thời là mối hại cho môi trường do lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, chúng ta có thể giảm tới 68% lượng khí thải này bằng cách chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có nguồn gốc từ thực vật.
Cây trồng được sử dụng để chiết xuất thành nhiên liệu ở đây là một loại cây thuộc họ Cải, có chứa tinh dầu, không ăn được, tên khoa học là Brassica carinata. Theo ước tính, sử dụng cây trồng này có thể tiết kiệm chi phí hơn đáng kể so với nhiên liệu từ dầu mỏ.
"SAF có thể giúp giảm lượng khí thải carbon của lĩnh vực hàng không đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế và cải thiện dòng chảy của các dịch vụ hệ sinh thái trên khắp khu vực phía Nam", Puneet Dwivedi - nhà khoa học tại Đại học Georgia (Mỹ) cho biết.
Họ khẳng định đã tìm ra lời giải giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng để tự sản xuất SAF dựa trên cây carinata ở miền Nam nước Mỹ.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Môi trường và Năng lượng, khoảng 2,4% tổng lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vào năm 2018 được tạo ra bởi ngành hàng không.
Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy lượng khí thải này đóng góp 3,5% vào sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.
Dẫu vậy, những thách thức xung quanh việc chuyển đổi sang nhiên liệu sinh học bao gồm tiềm năng thay thế dầu mỏ bằng các loại cây lương thực vẫn bị đặt dấu hỏi bởi các lý do như liệu có thể trồng đủ số cây nhiên liệu hay không, trồng ở đâu, trồng như thế nào và trồng cây gì...
Ngoài ra, cũng chưa chắc việc liệu phương pháp mới sau khi được áp dụng có thực sự giảm lượng thải hay không.
Trên thực tế, nhiên liệu có nguồn gốc từ cây Brassica carinata không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới, mà nó đã được phát triển và thử nghiệm cách đây vài năm, nhưng đối mặt với nhiều thách thức để đưa vào thực tế.
Bằng chứng là chuyến bay phản lực đầu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học chiết xuất từ cây carinata tinh khiết đã được bay thành công vào năm 2012, nhưng khi ấy chi phí của "nhiên liệu sạch" cao hơn nhiều so với nhiên liệu máy bay thông thường. Ngoài ra, chưa kể tới việc Mỹ đang thiếu trầm trọng các cơ sở hạ tầng để thực hiện biến đổi cây trồng thành nhiên liệu.
Hiểu được những thách thức nêu trên, các nhà khoa học ở Đại học Georgia đã đặt trọng tâm lần này là khả thi hóa toàn bộ việc xây dựng từ các cơ sở nuôi trồng, hạ tầng, cho tới chi phí... với hy vọng cung cấp đầy đủ thông tin cho nông dân, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các quyết định phù hợp trong tương lai gần.
Minh Khôi