Đan Mạch hôm 8/3 khánh thành dự án lưu trữ carbon dioxide (CO2) ở độ sâu 1.800 m bên dưới Biển Bắc, trở thành nước đầu tiên chôn CO2 nhập khẩu từ nước ngoài.
Đan Mạch sẽ quản lý nấm mồ CO2 dưới Biển Bắc trong sáng kiến mới mang tên "Greensand", do công ty hóa chất khổng lồ của Anh Ineos và công ty dầu khí Đức Wintershall Dea chỉ đạo. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn giải phóng CO2 vào khí quyển, chặn đứng những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Dự án Greensand là một trong nhiều dự án thu thập và lưu trữ carbon (CSS) đang diễn ra trên khắp thế giới. Dự án đặt mục tiêu lưu trữ 8 triệu tấn CO2 mỗi năm tính đến năm 2030 để góp phần đối phó biến đổi khí hậu. Theo EuroNews, khoảng 30 dự án CSS đang trong quá trình vận hành hoặc phát triển trên khắp châu Âu.
Điều khiến dự án Greensand khác với những sáng kiến tương tự khác là Đan Mạch nhập khẩu CO2 từ nước ngoài, biến nước này thành quốc gia đầu tiên làm vậy. Đầu tiên, CO2 được thu thập từ nguồn, sau đó hóa lỏng trước khi vận chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, dự án có thể sử dụng đường ống trong tương lai.
"Dự án mới sẽ giúp chúng tôi đạt các mục tiêu khí hậu, bởi tầng đất cái của chúng tôi có tiềm năng lưu trữ lớn hơn nhiều lượng khí mà chúng tôi thải ra, vì vậy chúng tôi có thể lưu trữ CO2 từ nước khác", bộ trưởng khí hậu Lars Aagaard, cho biết. Nhà chức trách Đan Mạch hướng tới không thải carbon vào khoảng năm 2045.
Thông qua lưu trữ hàng triệu tấn CO2, dự án Greensand sẽ góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi khủng hoảng khí hậu. Ví dụ, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết các nước thành viên của EU thải ra 3,7 tỷ tấn khí nhà kính chỉ riêng trong năm 2020. Giới khoa học cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu như chắn ánh sáng Mặt Trời chiếu tới Trái Đất bằng cách đưa bụi Mặt Trăng lên quỹ đạo giữa Mặt Trời và Trái Đất.
An Khang (Theo Interesting Engineering)