Nhiếp ảnh gia thiên văn người Argentina là Eduardo Schaberger Poupeau đã chụp được khoảnh khắc một dải plasma khổng lồ đổ xuống bề mặt Mặt Trời.
Bức ảnh được chụp vào ngày 9/3 cho thấy một dòng plasma phụt cao khoảng 100.000 km. Độ cao này gấp 8 lần đường kính của Trái Đất. Dòng plasma này sau đó đã dội ngược trở lại bề mặt Mặt Trời, tạo hình trông giống một thác nước.
Các nhà khoa học ước tính rằng plasma rơi trở lại với tốc độ cực lớn, khoảng 36.000 km/h, nhanh hơn nhiều khả năng chịu của từ trường.
"Từ hình ảnh chụp được, dường như có hàng trăm sợi plasma đang chảy xuống, dàn trải như một bức tường. Đó thực sự là một cảnh tượng khiến tôi không nói nên lời", nhiếp ảnh gia Poupeau nói Space.com.
Theo thuật ngữ thiên văn, hiện tượng này được gọi là tai lửa vương miện vùng cực. Tai lửa Mặt Trời là những đợt phun trào bức xạ Mặt Trời cường độ mạnh, giải phóng tia bức xạ có khả năng gây hại và thường vươn ra ngoài không gian theo hình vòng cung lớn.
Tuy nhiên, khi các đợt phun trào tai lửa xảy ra gần các cực của Mặt Trời, cụ thể hơn là xung quanh vòng cực, từ trường mạnh đến mức thay vì phát ra ngoài không gian, plasma có thể quay trở lại bề mặt Mặt Trời rất nhanh và tạo ra dòng thác plasma đổ xuống như hiện tượng trên.
Tai lửa vương miện vùng cực là hiện tượng mới nhất trong chuỗi các hiện tượng liên quan đến năng lượng Mặt Trời liên tục xảy ra trong những tháng gần đây trong bối cảnh Mặt Trời đang tiến gần đến đỉnh điểm hoạt động.
Cứ 10 năm một, các cực từ của Mặt Trời bị đảo lộn, gây ra một loạt hiện tượng năng lượng đáng chú ý. Gần đây nhất, các nhà khoa học đã ghi lại được hình ảnh một cơn lốc plasma có kích thước bằng 14 lần Trái Đất xuất hiện quanh cực Mặt Trời. Đầu tháng 3, giới thiên văn lại phát hiện một lỗ vành nhật hoa khổng lồ có kích thước lớn hơn gấp 20 lần Trái Đất đã xuất hiện trên Mặt Trời. Lỗ vành nhật hoa này phóng ra bão mặt trời với tốc độ 2,9 triệu km/giờ, khiến giới khoa học cảnh báo về tác động đến địa cầu.
Theo baotintuc.vn