Tuyến cáp AAG bị đứt khiến nhiều người gặp khó khăn khi truy cập Internet đi quốc tế những ngày gần đây.
Một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) xác nhận tình trạng cáp quang biển AAG đang gặp trục trặc tại nhánh S1I, kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, từ đêm 22/10. Nguyên nhân ban đầu được xác định là đứt cáp.
Đây là lần thứ ba AAG (Asia America Gateway) gặp sự cố trong năm nay. Trong khi đó, vấn đề khác trên tuyến AAE-1 vẫn chưa được khắc phục. Hai tuyến cáp cùng trục trặc khiến người dùng Internet có thể gặp khó khăn khi truy cập website và dịch vụ quốc tế, đặc biệt vào buổi tối.
"Buổi học online buổi tối của con tôi phải hoãn lại do mạng không ổn định", chị Phương Minh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) nói vào tối 25/10.
Anh Vũ Phong (Hà Nội) cũng cho biết trong hai ngày gần đây, anh gặp khó khăn khi xem phim trên một dịch vụ quốc tế, như thường xuyên bị dừng hình, không thể tải với độ phân giải cao nhất. Trong khi trước đó, tình trạng này hiếm khi xảy ra. Trên một hội nhóm của những người chơi game online tại Việt Nam, một số cũng phản ánh tình trạng mạng kém ổn định, "ping cao" trong những ngày gần đây.
Theo ISP nói trên, đến nay, các đối tác quốc tế chưa có thông báo về kế hoạch sửa chữa tuyến cáp này. Từ tháng 7 đến đầu tháng 10, AAG từng có ba lần gặp sự cố ở nhiều nhánh khác nhau, ảnh hưởng đến việc truy cập Internet của người dùng Việt Nam. Sự cố mới nhất vừa được khắc phục xong hôm 10/10.
Thống kê từ năm 2017, mỗi năm AAG gặp sự cố từ ba đến năm lần. Tuyến cáp ngầm dưới biển này dài hơn 20.000 km kết nối một số nước Đông Nam Á như Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Brunei, đi Hong Kong, Mỹ. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, hiện nay lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế qua tuyến cáp AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.
Trong sự cố hồi tháng 7, hiệp hội cho biết trục trặc lần này sẽ ảnh hưởng đến nhóm người dùng sử dụng mạng 3G, 4G và những người dùng các mạng xã hội quốc tế. Trong thời gian bị ảnh hưởng, người dùng trong nước sẽ cảm thấy truy cập Internet đi quốc tế chậm hơn trước, cho đến khi các nhà mạng bổ sung đầy đủ dung lượng, đảm bảo ổn định kết nối.
VNE