Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người đeo kính áp tròng tái sử dụng có nguy cơ mắc bệnh viêm loét giác mạc Acanthamoeba cao gấp 3,8 lần so những người đeo kính áp tròng dùng một lần hằng ngày.
Những người đeo kính áp tròng tái sử dụng có nguy cơ mắc bệnh viêm loét giác mạc Acanthamoeba (AK) cao gấp gần 4 lần so với những người sử dụng kính áp tròng dùng một lần hằng ngày.
Đây là kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Ophthalmology.
Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales (Australia), Đại học London và Bệnh viện mắt Moorfields (Anh) đã tiến hành nghiên cứu, xác định những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh AK, một bệnh nhiễm trùng mắt nghiêm trọng có thể gây mù lòa .
Tham gia nghiên cứu có hơn 200 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện mắt Moorfields.
Kết quả cho thấy, những người đeo kính áp tròng tái sử dụng có nguy cơ mắc bệnh AK cao gấp 3,8 lần so với những người đeo kính áp tròng dùng một lần hằng ngày.
Trong số những người đeo kính áp tròng dùng một lần, việc tắm bằng vòi hoa sen trong khi đeo kính làm tăng nguy cơ mắc AK gấp 3,3 lần, và đeo kính qua đêm làm tăng nguy cơ gấp 3,9 lần.
Trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 5,4 lần nếu tái sử dụng kính áp tròng dùng một lần.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng có thể phòng ngừa được 30-62% số ca mắc AK nếu mọi người chuyển sang sử dụng kính áp tròng dùng một lần thay vì tái sử dụng.
Các nghiên cứu trước đây khẳng định những người mắc bệnh viêm loét giác mạc Acanthamoeba do đeo kính áp tròng trong bồn tắm nước nóng, bể bơi hoặc hồ nước. Nghiên cứu mới bổ sung thêm yếu tố vòi hoa sen.
Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo những người đeo kính áp tròng nên tránh tiếp xúc với bất kỳ loại nước nào.
Theo TTXVN