kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cần thận trọng khi ứng dụng AI và ChatGPT trong tư vấn tài chính

Cần thận trọng khi ứng dụng AI và ChatGPT trong tư vấn tài chính

Theo các chuyên gia, không có mô hình hoặc thuật toán đơn lẻ nào có thể dự đoán các chuyển động của thị trường tài chính với độ chính xác hoàn toàn. Vì vậy, các công cụ AI như ChatGPT chỉ nên được sử dụng để bổ sung cho phán đoán của riêng bạn chứ không phải để thay thế.

Cần thận trọng khi ứng dụng AI và ChatGPT trong tư vấn tài chính
AI có thể là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho việc đầu tư, nhưng điều quan trọng là nhà đầu tư cá nhân phải nghiên cứu kỹ lưỡng về các khoản đầu tư tiềm năng, hiểu và chấp nhận mức độ rủi ro phù hợp trước khi quyết định rót vốn. Ảnh minh họa: Shutterstock

Từ chatbot và trợ lý ảo đến phát hiện gian lận và quản lý rủi ro, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực tài chính. Nhưng một hệ thống AI như ChatGPT có thể làm điều gì đối với số dư tài khoản ngân hàng của bạn?

Các công cụ AI có vẻ quá phức tạp hoặc đắt tiền với những người không phải là chuyên gia, nhưng những tiến bộ trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy có thể biến ChatGPT và các sản phẩm tương tự thành trợ lý tài chính cá nhân ảo. Điều này có nghĩa là có một chuyên gia sẵn sàng giúp bạn cập nhật thông tin và dữ liệu tài chính mới nhất.

Việc nắm được các tin tức kinh doanh và xu hướng thị trường tài chính có vai trò quan trọng để đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt và đạt được lợi thế trên thị trường. Nhiều công ty đã sử dụng những công cụ AI này để thực hiện thứ mà các chuyên gia tài chính gọi là “phân tích quan điểm” (sentiment analysis).

Điều này liên quan đến việc phân tích các tin tức và báo cáo tài chính để cung cấp những kiến thức chuyên sâu và các dự báo cho nhà đầu tư về cổ phiếu và các khoản đầu tư khác. Chẳng hạn, các mô hình AI của Morgan Stanley phân tích nhiều loại dữ liệu - bao gồm các bài báo, bài đăng trên mạng xã hội và báo cáo tài chính - nhằm xác định các xu hướng và dự đoán giá cổ phiếu.

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá tiềm năng của các công cụ AI như ChatGPT, nhưng do đây là công nghệ mới nên phần lớn các nghiên cứu học thuật vẫn còn ở giai đoạn đầu. Mới đây, một nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm tra dự đoán của ChatGPT về hoạt động của thị trường chứng khoán dựa trên “phân tích quan điểm” của các tiêu đề tin tức.

ChatGPT xác định xem tiêu đề là tốt hay xấu, hay không liên quan đến giá cổ phiếu của công ty và tính điểm. Nghiên cứu này đã phát hiện mối tương quan cao giữa phản hồi của ChatGPT và biến động của thị trường chứng khoán, cho thấy khả năng nhất định của chatbot AI này trong dự đoán hướng đầu tư lợi nhuận.

Các công cụ AI cũng có thể giúp các nhà đầu tư giải mã các thông báo về chính sách tiền tệ, cung cấp thông tin chi tiết về tác động tiềm ẩn của chúng đối với thị trường tài chính.

Một nghiên cứu khác đã đánh giá khả năng của ChatGPT trong việc giải mã những thông báo nào từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tác động tới thị trường tài chính, sau đó tiến hành so sánh với những nỗ lực của các nhà đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện điều tương tự.

Kết quả cho thấy, khi được tinh chỉnh, các mô hình tương tự ChatGPT cho kết quả chính xác hơn các mô hình học máy khác được các chuyên gia sử dụng để phân tích và hiểu “Fedspeak” (những thông báo từ FED).

Các quyết định về chính sách tiền tệ, chẳng hạn như lãi suất hoặc các chương trình mua tài sản, có thể có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính. Vì vậy, khả năng của AI trong việc đánh giá ý nghĩa của những thông báo thay đổi chính sách từ ngân hàng trung ương đối với thị trường tài chính có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về tác động của những hành động này. Điều này có thể giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Cần thận trọng khi ứng dụng AI và ChatGPT trong tư vấn tài chính
ChatGPT và các sản phẩm tương tự có thể đóng vai trò trợ lý tài chính cá nhân ảo. 
Ảnh: Reuters

Hướng dẫn tài chính phù hợp

Khả năng nhận diện xu hướng trong các lĩnh vực thị trường cụ thể cũng có thể hữu ích cho những người đang tìm kiếm hướng dẫn tài chính phù hợp hơn.

Thí dụ, một công cụ AI có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu tài chính, chẳng hạn như bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập, từ các công ty công nghệ, từ đó xác định được các xu hướng đang cho thấy cơ hội hay rủi ro.

Dựa vào kết quả này, các nhà đầu tư có thể điều chỉnh danh mục đầu tư của họ theo hướng có khả năng mang lại lợi nhuận hoặc thậm chí chỉ là giúp giảm bớt một số rủi ro nhất định.

Ngoài việc phân tích các xu hướng thị trường, AI cũng có thể được sử dụng để xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu cụ thể và khả năng chống chịu rủi ro của một cá nhân.

Chẳng hạn, bằng cách sử dụng thông tin của bạn như tình hình tài chính hiện tại và thái độ đối với rủi ro, AI có thể tạo ra một danh mục đầu tư tùy chỉnh có tính đến mức lợi nhuận mà bạn hướng tới, cũng như các loại rủi ro mà bạn muốn tránh xa.

Là trợ lý nhưng không phải "hướng dẫn viên" duy nhất

Mặc dù cho thấy tiềm năng to lớn trong vai trò trợ lý tài chính cá nhân, song các công cụ AI cũng đặt ra một số thách thức.

Có một vài yếu tố mà các những công cụ này có thể không tính đến được, chẳng hạn như các sự kiện bất ngờ hoặc thay đổi về điều kiện thị trường, cũng như hành vi của con người. Một công cụ như ChatGPT không thể hiểu đầy đủ sự phức tạp của ngôn ngữ và cuộc trò chuyện của con người, điều này có thể dẫn đến việc đưa ra những phản hồi thiếu chiều sâu và thiếu thông tin chi tiết.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự minh bạch hơn về cách các công cụ này đưa ra quyết định. Đối với một nhà đầu tư, khi trao danh mục đầu tư của họ vào “tay” của một trong số những “robot” này, họ cần phải hiểu cách thức nó đưa ra kết luận và dữ liệu mà nó sử dụng. Một số công ty lập kế hoạch tài chính đã bắt đầu cung cấp dịch vụ “tư vấn bằng người máy” - sử dụng thuật toán để thiết kế các kế hoạch đầu tư cá nhân, nhưng tất nhiên, bạn phải trả phí nếu muốn sử dụng dịch vụ này.

Ngoài ra, khả năng sai lệch trong các khuyến nghị của các công cụ AI cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Không loại trừ khả năng kho dữ liệu mà OpenAI sử dụng để đào tạo ChatGPT chứa những thành kiến cơ bản có thể ảnh hưởng đến dự đoán của nó. Độ chính xác và độ tin cậy trong các dự đoán của ChatGPT cần được đánh giá cẩn thận, nhất là khi trong thời gian qua ứng dụng chatbot AI này được cho là không ít lần đưa ra thông tin sai lệch một cách lặp lại.

Không có mô hình hoặc thuật toán đơn lẻ nào có thể dự đoán các chuyển động của thị trường tài chính với độ chính xác hoàn toàn. Vì vậy, các công cụ AI như ChatGPT chỉ nên được sử dụng để bổ sung cho phán đoán của riêng bạn chứ không phải để thay thế.

AI có thể là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho việc đầu tư, nhưng điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu kỹ lưỡng về các khoản đầu tư tiềm năng, hiểu và chấp nhận mức độ rủi ro phù hợp với mình cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư trước khi đưa ra quyết định rót vốn.

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy