Cửa hàng, quán ăn, địa điểm công cộng... được yêu cầu tạo điểm quét QR để khách khai báo y tế, hoặc có thể quét mã QR của khách.
Việc tạo "điểm quét QR" được thực hiện trên nền tảng Quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR, do Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 phát triển.
Cụ thể, chủ địa điểm truy cập website, chọn "Đăng ký địa điểm". Tại đây cần điền các thông tin gồm: Tên địa điểm (ví dụ: quán cafe A, công ty B...), địa chỉ cụ thể, họ tên người đăng ký, và số điện thoại. Sau đó, bấm "Tiếp tục" và mã OTP sẽ được gửi đến số điện thoại. Người dùng điền mã OTP là hoàn tất đăng ký.
Hệ thống sẽ ghi nhận đây là điểm quét QR, đồng thời trả về một mã QR để chủ địa điểm in ra nếu cần. Trên hệ thống, chủ địa điểm có thể xem được lịch sử người ra/vào. Tên khách được viết tắt để đảm bảo tính riêng tư.
Có hai cách quản lý khách ra vào địa điểm Thứ nhất, chủ địa điểm quét mã QR khai báo y tế của khách hàng. Thứ hai, khách tự quét mã QR của địa điểm.
Với cách một, chủ địa điểm sử dụng smartphone cài Bluezone, hoặc máy quét chuyên dụng, quét mã QR cá nhân của khách đến.
Với cách hai, chủ địa điểm in mã QR của cửa hàng ra giấy và dán trước cửa ra vào. Khách khi vào cửa hàng sẽ quét mã bằng các ứng dụng như Bluezone, VHD.
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia khuyến nghị và đề xuất sử dụng cách thứ nhất. Có nghĩa, các cửa hàng, địa điểm công cộng... cần chủ động quét mã QR cá nhân của khách đến.
Theo đại diện trung tâm, cách làm này giúp chủ địa điểm chủ động kiểm soát người ra vào. Đồng thời, khách đến không nhất thiết phải sử dụng smartphone, mà có thể dùng một mã QR in sẵn từ ứng dụng khai báo y tế, hoặc mã QR trên CCCD, thẻ bảo hiểm để được quét.
Tại Hà Nội, từ 12h ngày 16/9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, văn phòng phẩm, sửa chữa điện tử, điện lạnh... tại 19 quận, huyện, thị xã được hoạt động. Yêu cầu bắt buộc với các cơ sở này khi mở lại là phải tạo điểm quét mã QR.
VNE