Nhóm nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NUST MISiS) cùng đồng nghiệp đã tạo ra công nghệ mới để truyền đặc tính kháng khuẩn cho vải không dệt.
Theo Sputnik, công nghệ này sử dụng plasma tần số vô tuyến được phóng điện ở áp suất thấp để biến đổi vật liệu. Theo các tác giả, phương pháp mới sẽ được ứng dụng rộng rãi trong y học. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Materials Letters.
Nghiên cứu nhằm mục đích truyền các đặc tính kháng khuẩn cho vải không dệt đã bắt đầu ngay sau khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng thường bị rối loạn suy giảm miễn dịch, do đó ở họ có thể mắc các bệnh nhiễm trùng thứ cấp. Vì vậy, nhóm nhà khoa học Nga muốn tạo ra một loại vật liệu kháng khuẩn để sản xuất quần áo phòng dịch dùng một lần hoặc khăn trải giường, tã lót và các sản phẩm khác. Những sản phẩm này sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh lây lan trong môi trường bệnh viện.
Ông Ilya Larin, một trong những tác giả của nghiên cứu giải thích với hãng RIA Novosti: "Để truyền các đặc tính kháng khuẩn cho vải không dệt, vật liệu phải được đặt giữa hai điện cực trong thùng kín. Chúng tôi hút sạch không khí khỏi đó để tạo ra môi trường chân không hoặc gần như chân không, đồng thời bơm nguyên tố argon vào hệ thống này. Để tạo ra trường điện từ, argon được tăng tốc từ cực âm đến cực dương và ‘bắn phá’ vải để phá vỡ các liên kết phân tử của thành phần polyme”.
Sau đó, vật liệu có đặc tính kháng khuẩn sẽ được xử lý bằng hỗn hợp metan-argon. Metan tham gia quá trình nhiều phân tử nhỏ (monome) trong các loại polyme và đang được sử dụng để làm khối xây dựng trên bề mặt của vải không dệt, liên kết các chất kháng khuẩn với bề mặt. Sau đó, các sản phẩm được khử trùng trong nồi hấp.
Các nhà khoa học lên kế hoạch sử dụng plasma phóng điện tần số vô tuyến để sản xuất vật liệu composite, cải thiện các đặc tính vật lý, cơ học và vận hành của chúng.
Dự án này cũng có sự tham gia của các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nghiên cứu Quốc gia Kazan, Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo và Bệnh viện ung thư Blokhin. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ chương trình liên bang “Ưu tiên 2030”.
KH