kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cá diếc không xương dăm nhờ chỉnh sửa gene

Cá diếc không xương dăm nhờ chỉnh sửa gene

Lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra và nuôi thành công giống cá diếc không có xương nhỏ và giữ được hương vị, cho khả năng thương mại cao hơn.

Cá diếc không xương dăm nhờ chỉnh sửa gene
Ảnh CT so sánh xương của cá diếc hoang dã (trái) với cá diếc chỉnh sửa gene (phải). Ảnh: China Daily

Giống mới được tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene bởi Viện Nghiên cứu Thủy sản Hắc Long Giang thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc, đánh dấu một bước đột phá lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Cá diếc là loại cá nước ngọt được nhiều người ưa chuộng với thịt mềm, thơm ngọt nhưng nhiều xương dăm, dễ mắc vào cổ họng người ăn và cũng khó chế biến công nghiệp.

Các nhà sinh vật học tại Viện Thủy sản Hắc Long Giang bắt đầu nghiên cứu giải quyết vấn đề này từ năm 2009. Sau nhiều năm, họ đã xác định được gene chính (bmp6), trong số 1.600 gene, để kiểm soát sự phát triển của xương dăm và tìm ra cách loại bỏ nó mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sinh sản của cá.

"Chúng tôi đã nuôi thế hệ cá diếc đầu tiên không có xương dăm với tỷ lệ thành công là 12,96% vào năm 2020 và thế hệ thứ hai với tỷ lệ 19% vào năm 2021. Vào đầu năm 2022, khoảng 20.000 con cá thế hệ thứ ba đã được thả tại cơ sở thử nghiệm ở Cáp Nhĩ Tân và bắt đầu nhân giống quy mô lớn", Kuang Youyi, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.

Cá diếc không xương dăm nhờ chỉnh sửa gene
Cá diếc là một nguồn thực phẩm được ưa chuộng. Ảnh: Wikipedia

Kuang nói thêm rằng, cá diếc chỉnh sửa gene phát triển tốt và có bề ngoài không thể phân biệt được với cá diếc bình thường. Kết quả của một cuộc kiểm tra được tiến hành vào tháng 8 năm ngoái cho thấy tỷ lệ thành công đã lên tới 100%.

Các chuyên gia cho biết những bước phát triển này có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến cá.

"Mọi người sẽ không còn phải nhặt những chiếc xương nhỏ nữa. Nó có thể thay đổi đáng kể chế độ ăn cá toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trong tương lai", Li Shaowu, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Nghiên cứu dự kiến được hoàn thành vào năm 2025. Li đảm bảo rằng họ đã xem xét đầy đủ tính an toàn sinh thái của giống mới.

"Kể từ đầu năm nay, chúng tôi đã tiến hành đánh giá an toàn sinh thái, bao gồm khả năng bơi lội, chịu lạnh và sinh sản của cá, cũng như nguy cơ bị săn mồi. Nhóm cũng đang phát triển một giống vô trùng, nhằm loại bỏ các tác động xấu mà cá chỉnh sửa gene có thể gây ra trong tự nhiên", Li nói thêm.

Đoàn Dương (Theo CNS)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy