Các nhà nghiên cứu phát hiện phân tử trong nọc độc của một loại rắn có thể ức chế nCoV nhân lên trong tế bào khỉ, mở ra tiềm năng phát triển thuốc điều trị Covid-19.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Molecules phát hiện phân tử sản sinh bởi rắn jararacussu ngăn chặn nCoV nhân lên ở tế bào khỉ tới 75%. "Chúng tôi có thể chứng minh thành phần này trong nọc rắn có khả năng ức chế protein rất quan trọng từ virus", Rafael Guido, giáo sư ở Đại học Sao Paulo, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Phân tử đó là một peptide hay chuỗi amino axit, có thể kết nối với enzyme của nCoV mang tên PLPro, đóng vai trò giúp virus sinh sôi, mà không tổn thương tế bào khác. Được biết tới bởi khả năng kháng khuẩn, các nhà nghiên cứu có thể tổng hợp peptide trong phòng thí nghiệm nên không cần bắt hoặc nuôi rắn.
"Chúng tôi lo ngại mọi người sẽ săn bắt rắn jararacussu ở khắp Brazil với suy nghĩ họ làm vậy để cứu thế giới", Giuseppe Puorto, nhà bò sát học ở Viện Butantan tại Sao Paulo, chia sẻ. "Nọc độc rắn không phải thứ giúp điều trị nCoV".
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả của những liều lượng phân tử khác nhau và xem xét liệu chúng có thể ngăn virus xâm nhập tế bào ngay từ đầu hay không. Họ hy vọng có thể kiểm tra hợp chất ở tế bào người nhưng không tiết lộ mốc thời gian.
Rắn jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất Brazil, có thể dài đến 2 mét. Loài rắn này sống ở các khu vực ven biển Đại Tây Dương hay ở Bolivia, Paraguay và Argentina.
VNE