Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xác định năm 2023 là năm về dữ liệu số. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, an toàn dữ liệu, xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ TTTT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam; tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Năm 2023, sau 3 năm COVID-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ TTTT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mang trí thức, công nghệ số của Việt Nam.
Theo Bộ TTTT, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ công nghệ thông tin (CNTT) sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để tạo ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công lắp ráp sang Make in Viet Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính, từ báo chí sang truyền thông số. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới số trở thành động lực cơ bản để phát triển.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII của Đảng đã chính thức coi chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp hiện đại. Hiện đại hoá Việt Nam chính là chuyển đổi số xã hội.
Công nghệ số nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá là khi máy móc thay lao động chân tay, và với cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ 4 với công nghệ chủ yếu là công nghệ số thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn và đây được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp hoá.
Do đó, năm 2023 sẽ là năm Bộ TTTT tập trung vào các kết quả thực chất, thiết thực. Cụ thể, về viễn thông là giải quyết triệt để SIM rác, thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Về chuyển đổi số, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự giải quyết trực tuyến, nâng tỷ lệ tài khoản sử dụng các nền tảng số Make in Viet Nam. Về công nghiệp công nghệ số sẽ tập trung vào sản xuất thiết bị viễn thông, thiết kế chip, nền tảng số…
Theo baotintuc.vn