Thói quen tắt điều hòa khi đã cảm thấy mát của nhiều người thực tế làm tốn điện hơn thông thường.
Khởi động là quá trình tốn nhiều điện năng nhất của một chiếc điều hòa. Khi mới mở, máy sẽ hoạt động ở công suất tối đa để sản sinh ra khí lạnh. Với các máy có chế độ làm lạnh nhanh (Power Full), quạt gió cũng được đẩy lên mức tối đa để giúp không khí lạnh lưu thông nhanh hơn trong phòng.
Trong khi đó, để duy trì nhiệt độ phòng, hệ thống chỉ hoạt động ở mức công suất rất nhỏ, tùy mức chênh lệch với nhiệt độ không khí bên ngoài cũng như mức độ thoát nhiệt của căn phòng. Theo một số nghiên cứu, lượng điện tiêu thụ để khởi động và làm lạnh tới mức nhiệt yêu cầu tốn gấp 3 lần so với chỉ hoạt động để giữ mức nhiệt đó.
Ngoài tốn điện hơn, việc tắt bật điều hòa liên tục nhiều lần trong ngày cũng làm giảm tuổi thọ của máy nén, cũng như các động cơ khác trong dàn lạnh và dàn nóng của điều hòa.
Tuy nhiên, nếu có việc phải ra ngoài trong khoảng thời gian ngắn mà không tắt điều hòa, mức nhiệt độ cài đặt cũng cần được thay đổi để đỡ tốn điện hơn. Nhiệt độ cài đặt được khuyến cáo chỉ nên thấp hơn khoảng 7 đến 8 độ so với nhiệt độ bên ngoài, tránh việc máy phải làm việc với công suất quá lớn. Nhiệt độ có thể đặt từ 26 đến 28 độ với khí hậu Việt Nam.
Với các dòng điều hòa có Inverter, việc duy trì bật điều hòa liên tục trong ngày càng có lợi hơn so với điều hòa thường. Máy nén hoạt động biến thiên sẽ giảm công suất để vừa đủ duy trì nhiệt độ trong phòng. Đây cũng là dòng máy được các chuyên gia khuyên dùng nếu thường xuyên phải sử dụng trong thời gian dài. Hiện nay, nhiều gia đình học tập và làm việc tại nhà nên cần bật điều hòa cả ngày. Các loại điều hòa có Inverter được lựa chọn nhiều hơn.
VNE