Trong vòng khoảng chục giây anh Núi có thể leo lên cây dừa 10m và sau đó cũng lộn xuống rất nhanh với tư thế rất "độc, lạ". Không những thế "thánh" leo dừa còn lột dừa khô bằng răng rất nhanh.
"Ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời"
Ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang không ai còn lạ lẫm với anh Nguyễn Văn Núi (40 tuổi), người đàn ông được mệnh danh là "thánh leo dừa" ở xứ miệt thứ này. Dáng người rắn chắc, nước da đen sạm và đôi bàn tay đã hằn lên những vết chai. Đặc biệt, người đàn ông này nổi tiếng với tư thế trèo cây dừa "độc nhất vô nhị".
Sinh ra trong gia đình khó khăn, cả cha và mẹ đều là những nông dân tay lấm chân bùn sống nhờ nghề làm thuê cuốc mướn, từ nhỏ anh Núi đã phải ra đời bươn chải, mưu sinh.
Anh Núi kể, ngày thơ ấu anh thường theo cha và anh chị em trong nhà ra đồng chăn trâu, bắt ốc và bẻ dừa mướn. Trên cây, cha leo cây đốn dừa, chặt củ hủ dừa (đọt dừa) thì anh ở bên dưới gom tàu dừa, buồng dừa.
Trong những lần đi phụ như thế anh cũng tập tành trèo dừa như cha, trải qua nhiều lần té ngã đến năm 14 tuổi anh đã "ra nghề" tự kiếm sống bằng công việc rửa dừa (vệ sinh cây dừa để cho cây mang trái)."Hồi đó không trả tiền công như bây giờ mà đốn mấy cây dừa họ trả cho mình vài trái dừa coi như làm thù lao hoặc trả công bằng con cá, miếng thịt.
Nhưng ngày nay thì khác, rửa cây nào tính tiền cây đó, tùy vào số lượng buồng dừa trên cây mà tôi lấy giá khác nhau nhưng dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/cây", anh Núi chia sẻ.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Núi vẫn thoăn thoắt trên thân dừa cao vút, kiếm tiền trang trải cuộc sống lo cho cha mẹ già. Nhưng khác với mọi người đồ nghề leo dừa của anh chỉ vỏn vẹn con dao sắt và sợi dây thừng để buộc buồng dừa.
Anh Núi vừa ngậm con dao vào miệng, quấn gọn dây thừng lên người, anh không ôm sát vào thân cây mà anh chỉ dùng hai bộ tay và chân làm điểm tựa để leo lên, tư thế leo dừa của anh rất khác so với mọi người. Theo quan sát của PV trong khoảng chục giây đồng hồ anh đã leo đến ngọn dừa cao 10 m.
"Đốn dừa, mé tàu, hái dừa trái cái gì tôi cũng làm hết. Một tiếng đồng hồ tôi rửa được 3 cây dừa, bình quân lần đi vệ sinh dừa như thế tôi kiếm được 200.000-300.000 đồng, lúc vô vụ có thể kiếm trên 500.000 đồng/ngày", "thánh leo dừa" 7x tiết lộ.
Sống bằng nghề "ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời", đối mặt với anh Núi là nhiều hiểm nguy. Ong đốt, kiến cắn, rắn, rết, nhện độc hay bị thương trong lúc hành nghề là những thử thách mà anh đều đã trải qua. "Sợ mấy thứ đó một nhưng so với cơm áo gạo tiền, nỗi sợ đó chẳng đáng là bao. Từ nhỏ đến giờ chỉ biết leo dừa kiếm sống", anh Núi bộc bạch.
Dị nhân "xiếc khỉ" trên cây dừa, lột dừa bằng răng
Hỏi về biệt danh "thánh leo dừa" anh Núi cười pha chút ngại ngùng nói: "Đây là tên gọi vui thôi. Mấy năm trước có một anh youtuber quay clip lúc tôi trèo cây dừa, pha trò xiếc đủ kiểu trên cây rồi đăng lên mạng xã hội. Không ngờ mọi người chú ý nhiều lắm, nhiều bình luận còn khen tôi là thánh leo dừa miền Tây".
Chia sẻ "sương sương" vài kỹ nghệ của mình, anh Núi cho biết, bản thân có thể tuột xuống cây dừa bằng nhiều tư thế như bò kiểu con mèo, tuột xuống bằng tàu dừa, ngã người trên ngọn dừa và đặc biệt anh đi từ cây này sang cây khác chỉ bằng... tàu dừa.
"Mấy thứ này tôi tự học thôi chứ chẳng ai chỉ dạy gì. Hồi năm 14 tuổi chứng kiến con mèo trèo cây dừa rồi tuột xuống rất nhanh nên tôi học theo tư thế đó xem sao. Vài lần té lộn cổ, rơi phịch xuống đất nhưng tôi không nản, cố trèo cho giống tư thế đó bằng được", anh Núi vui vẻ kể.
Ngoài các "xảo thuật" trên, người đàn ông này còn có thể lột dừa khô bằng răng và bổ quả dừa tươi bằng cùi chỏ.
Để thử tài anh Núi, chúng tôi mang một quả dừa xiêm khô và quả dừa tươi. Mất khoảng một phút anh đã lột xong quả dừa rồi bổ đôi quả còn lại bằng cánh tay rắn chắc của mình.
"Tôi cũng không tập luyện công phu gì, thử sơ mấy lần thấy răng lột dừa được nên lâu lâu biểu diễn cho mọi người xem. Tuy nhiên, đây là thử thách nguy hiểm mọi người không nên làm theo", anh Núi nói thêm.
Lần lượt "trổ" hết tài năng, anh Núi thấm mệt, rít một hơi thuốc dài anh trầm giọng nói: "Bước qua tuổi 40 rồi sức khỏe chẳng còn như trước, nghề này chẳng thể bền lâu vì bào cơ thể lắm, ráng làm thêm ít năm nữa có vốn liếng tôi chuyển sang nghề khác. Còn chuyện hôn nhân tôi chưa dám nghĩ, vì sợ cưới người ta về không lo được cho họ thì tội", thánh leo dừa trải lòng.
Theo Dân trí