Khủng hoảng cà chua với giá tăng 400% tại Ấn Độ

Tại một khu chợ rau quả ở Delhi (Ấn Độ), hầu như tất cả mọi người đều có chung một câu hỏi: hôm nay giá cà chua là bao nhiêu?

Khủng hoảng cà chua với giá tăng 400 tại Ấn Độ
Cà chua là một trong những nguyên liệu nấu ăn phổ biến tại Ấn Độ. Ảnh: AFP

Giá cà chua, một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ, đã tăng 400% trong những tháng gần đây do thiếu hụt trầm trọng.

Tờ Guardian (Anh) cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời tiết thất thường càn quét Ấn Độ trong mùa cà chua năm nay. Bao gồm cả lượng mưa cao bất thường trong những tháng gần đây, gây hư hại mùa màng và kéo theo bệnh nấm hại cây.

Trong khi người dân tại các thành phố như Mumbai và Delhi thường chi 40 rupee/kg cà chua. Nay giá đã tăng lên tới 160 rupee (gần 2 USD) hoặc cao hơn gây khó khăn cho các hộ gia đình thu nhập thấp trung bình.

Các thương nhân cảnh báo giá cà chua có thể lên đến mức 200 rupee/kg trong vài ngày tới bởi mưa gió mùa nặng hạt trong thời gian gần đây.

Tháng 7 thường là khoảng thời gian giá cà chua đắt hơn do nằm giữa các mùa thu hoạch nhưng người tiêu dùng vẫn phàn nàn rằng chưa bao giờ giá cao như hiện nay.

Tình trạng thiếu cà chua còn khiến nhiều cửa hàng của McDonald ở Bắc, Đông và Nam Ấn Độ đặt biển báo burger và nhiều món khác của họ sẽ không có cà chua. Biến đổi khí hậu khiến mưa lớn ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn trong khi các đợt nắng nóng nhiều khả năng xuất hiện hơn.

Một số nông dân trồng cà chua quy mô nhỏ cho biết hiện nay là một trong những mùa vụ thất bát nhất của họ về sản lượng và lợi nhuận.

Nông dân trồng cà chua Arvind Malik (34 tuổi) tại làng Kheri Dabdalan ở Kurukshetra, bang Haryana kể: “Vào tháng 2, lá các cây cà chua bắt đầu khô dần. Chuyên gia nói với chúng tôi rằng thời tiết thất thường, tăng giảm nhiệt độ đột ngột, là lý do khiến cây cà chua có bệnh”.

Malik cho biết họ thường bán được 30.000 kg cà chua hàng năm nhưng năm nay chỉ thu hoạch được một nửa số này và anh đang ngập trong nợ nần.

Một số sản phẩm khác như hành tây, gừng và ớt cũng ảnh hưởng bởi giá tăng cao do các vấn đề liên quan đến thời tiết gây ảnh hưởng đến cây trồng.

Các thương nhân cho biết có thể mất 3 tháng để nguồn cung và giá cả trở lại bình thường.

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy