Bi hài chuyện dùng robot phục vụ nhà hàng

Việc dùng robot thay thế nhân viên được một số cửa hàng áp dụng, nhưng chúng khó hoàn thành nhiệm vụ vì mải buôn chuyện hay tự nhiên hết pin.

Amy, Ella, Will và Josh làm việc trong một nhà hàng với vai trò phục vụ, đưa đồ ăn đến các bàn, trò chuyện với khách và thỉnh thoảng di chuyển đến nơi sạc pin. Đây là những robot đang làm tại Robotazia, một nhà hàng ở Milton Keynes (Anh).

Bi hài chuyện dùng robot phục vụ nhà hàng
Robot phục vụ tại nhà hàng Robotazia. Ảnh: Robotazia

Theo Joy Gittens và Mark Swannell, hai chủ sở hữu nhà hàng Robotazia, các robot về cơ bản khá tiện lợi. Dù vậy, chúng chưa thể đủ năng lực thay thế hoàn toàn con người vì còn tồn tại nhiều nhược điểm khó khắc phục.

Gittens cho biết, những robot của nhà hàng không bao giờ di chuyển tới, thậm chí "bỏ chạy" nếu khách hàng nào đó đeo quá nhiều đồ trang sức bằng kim loại. Vấn đề này có liên quan đến tín hiệu phản xạ với kim loại của robot khi hoạt động tự động.

"Chúng sẽ mang đồ ăn tới bàn của khách, nhưng không để cho họ kịp lấy mà tự động rời đi ngay", Gittens nói. "Chúng tôi thường phải để ý xem khách có mang nhiều trang sức không và khuyên tháo bớt để có trải nghiệm tốt nhất với robot. Trong trường hợp bị từ chối, nhân viên bình thường sẽ phục vụ họ".

Trong số các robot, Amy có khả năng tương tác, trả lời ngắn gọn những câu hỏi của khách. "Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải tắt tính năng này, vì robot sẽ bỏ bê rất nhiều việc khác vì mải bận buôn chuyện với khách", Gittens cho hay.

Ngoài ra, theo Swannell, toàn bộ robot được sản xuất tại Nhật Bản. Phần ngôn ngữ được lập trình mà ông cho là "thứ tiếng Anh kỳ quặc không hoàn toàn hợp lý".

Cả hai đánh giá nhóm robot phục vụ của mình "vô kỷ luật" khi sẵn sàng dừng việc chúng đang làm bất cứ lúc nào nếu sắp hết pin và trở về trạm sạc mà không đưa ra thông báo. "Chỉ cần pin yếu, dù đang làm gì, chúng đều bỏ về trạm sạc", Gittens chia sẻ. "Điều này có thể bình thường với robot, nhưng rất không phù hợp với nhà hàng, nhất khi đông khách".

Ngoài ra, "nhân viên" robot còn có nhiều nhược điểm khác, như không thể dọn bàn, không phát hiện được thức ăn có vấn đề, không kiểm tra được người mua rượu đã đủ tuổi hay chưa. Chúng cũng không thể tự vệ sinh và bảo trì. Swannell cho biết đã phải thuê 4 nhân viên để bảo dưỡng vào mỗi thứ ba hàng tuần.

Với những nhược điểm trên, hai chủ sở hữu nhà hàng Robotazia cho rằng việc dùng robot phục vụ chỉ mang tính trình diễn, không thể thay thế con người. "Sự tham gia của con người vẫn đem lại cảm giác tuyệt vời", Gittens nói. "Khách hàng sẽ thấy ấm áp hơn nếu một nhân viên trao đổi và nói với họ rằng: Cảm ơn bạn đã đến với nhà hàng chúng tôi".

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy