Tuyến du lịch tâm linh Mẫu Lê Chân

Tuyến du lịch tâm linh Mẫu Lê Chân

Tuyến du lịch tâm linh Mẫu Lê Chân thăm viếng các ngôi đền, đình và dấu tích trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng - duyên hải Bắc Bộ, qua Hà Nội - thủ đô, tới Hà Nam - hạ lưu sông Hồng.

 Thuận tiện và nhanh nhất du khách sử dụng phương tiện ô tô theo trục chính là các quốc lộ 18 - quốc lộ 5 - quốc lộ 10 - quốc lộ 5 - quốc lộ 1 (mới) - quốc lộ 21A, kết nối 7 đền, đình thờ Mẫu Lê Chân và dấu tích khu căn cứ cuối cùng của nữ tướng. Du khách có dịp tìm hiểu, chiêm bái các di tích liên quan đến quê hương, cuộc đời, chiến tích và tấm gương tuẫn tiết của vị nữ tướng tiêu biểu của Hai Bà Trưng.

Quê hương, mở đất khai canh, dấy quân tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Khương Doanh

Tọa lạc trên sườn núi Vẻn, thuộc làng Vẻn cổ, thôn An Biên (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), đền An Biên thờ Bà Lê Chân sinh ra trên mảnh đất này. Ngôi đền quay hướng Đông Nam, bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh, Bái đường ba gian, hậu cung một gian. Mái đền kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái. Nền đền được tôn rất cao, tạo uy nghiêm, bề thế. Năm 2002, địa phương dựng tượng đài nữ tướng Lê Chân trong khuôn viên di tích. Xưa kia đền mang tên đền Suối, bởi bên trái đền có dòng suối nhỏ nước trong vắt quanh năm. Đền tựa lưng vào sườn núi Vẻn, trước đền cách khoảng 500m sông Đạm Thủy uốn mềm dải lụa, xa xa dãy núi Công làm án, trái phải đều có núi chầu; đắc thế Tiền Án, hậu Chẩm, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ theo phong thủy xưa.

Bắt đầu từ ngôi đền này, theo chỉ dẫn của tư liệu thần tích, truyền thuyết, du khách sẽ được trải nghiệm về dòng chảy cuộc đời bà Lê Chân, qua minh chứng của công trình thờ tự và dấu tích, khởi điểm từ quê hương làng Vẻn cổ - An Biên nay của bà.

Những năm đầu công nguyên nước ta bị nhà Đông Hán (Trung Quốc) thống trị. Ở làng An Biên (tên Nôm là làng Vẻn) huyện Đông Triều, xứ Đông (nay thuộc xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) có vợ chồng Lê Đạo, Trần Thị Châu, tính hiền từ hay giúp người nghèo khó. Ông làm nghề thầy thuốc. Muộn con, nên ông bà tìm đến ngôi chùa trên núi Yên Tử cầu tự. Ngày mồng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (20) bà sinh con gái khôi ngô bụ bẫm. Ông, bà đặt tên con là Chân. Năm Lê Chân 18 tuổi, sắc đẹp và đức hạnh nổi tiếng khắp vùng. Thái thú Tô Định đi kinh lý qua Đông Triều quyết ép nàng làm tì thiếp. Lê Chân dứt khoát chối từ. Tức tối, Tô Định hãm hại cả bố mẹ nàng. Căm giận quân cướp nước, Lê Chân nung nấu căm thù, quyết trả thù nhà, nợ nước. Nàng tìm thầy học binh thư, võ nghệ kết giao với những người cùng chí hướng chờ thời cơ ra tay.

Tương truyền sau khi võ nghệ đã tinh thông Lê Chân cùng bạn bè sang An Dương (xứ Đông xưa), lúc ấy là một vùng đất bãi phù sa mới bồi. Nàng chiêu dân tứ xứ, khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm sanh vũ khí, tích trữ lương thảo. Nghe tin ở xứ Đoài Hai Bà Trưng cũng đang mưu nghiệp lớn, Lê Chân tìm đến đất Mê Linh. Bà Trưng Trắc cử Lê Chân làm tướng cho về quê, chờ thời cơ hành động. Tháng 3 năm Canh Tý (40) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Thủ lĩnh và nhân dân 4 quận Giao Chỉ, Cửu Châu, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng, nhất tề nổi dậy. Đạo quân của Lê Chân từ mạn biển xứ Đông đánh thốc lên Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) lỵ sở của bè lũ Tô Định, phối hợp với quân của Hai Bà Trưng và các thủ lĩnh nghĩa quân khác, giải phóng quận thành. Tô Định vội vã tháo chạy về đất Nam Hải (Trung Quốc) xin quân cứu viện.

Bà Trưng Trắc được tướng sĩ tôn làm vua (Trưng Vương). Lê Chân lúc ấy 24 tuổi được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng duyên hải Đông Bắc.

Nữ tướng Lê Chân đem quân về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp lập trang mới lấy tên quê gốc là An Biên. Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt, đồng thời mở những lò đấu vật, đài thi võ cho dân trong vùng.

Ở thành phố Hải Phòng nhân dân đã dựng 3 ngôi đền và một ngôi đình thờ Nữ tướng Lê Chân trên đất đai trang An Biên xưa.

Theo lộ trình tuyến du lịch tâm linh, từ quốc lộ 18 sau khi rời đền An Biên (Thủy An, Đông Triều) du khách vào đường cấp thành phố: 186 đến thăm đền thờ nữ tướng Lê Chân tại núi Voi, huyện An Lão (Hải Phòng) nằm trong quần thể di tích - danh thắng núi Voi đã được Nhà nước xếp hạng từ năm 1962. Ngôi đền tọa lạc trong khu vực đền Hang trong khuôn viên rộng hơn 4.000m2, gồm Nghi môn, Đền chính, Tả mạc, Hữu mạc. Đền chính bố cục kiểu chữ Đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung một gian, mặt trước quay hướng Nam. Tương truyền, núi Voi hiểm trở, thuận lợi cho việc binh nên Lê Chân đã bí mật dùng nơi đây để tuyển mộ, tập hợp binh sĩ chờ ngày xuất trận. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng nghĩa binh An Biên - núi Voi kịp thời hưởng ứng.

Tiếp theo du khách tới phố Hai Bà Trưng phường Cát Dài quận Lê Chân thăm viếng đình An Biên thờ Nữ tướng Lê Chân, được tôn phong là Thành hoàng Thánh Chân công chúa - Tiền tổ khai canh, có công lập ra làng An Biên. Ngôi đình tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 300m2. Mặt bằng kiến trúc theo lối chữ Công gồm 5 gian đại đình, 3 gian nhà cầu và 3 gian hậu cung. Cùng với ngôi đình ở làng An Biên còn có một ngôi đền cũng thờ Nữ tướng Lê Chân, nguyên do từ việc tách làng thành Vẻn Ngoài, Vẻn Trong nên làng mới lập xây dựng ngôi đền mới. Đền nằm ở Vẻn Ngoài, được trùng tu năm 1915. Đền An Biên (đền Vẻn Ngoài) nhìn về hướng Đông, mặt bằng kiến trúc hình chữ Tam, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường, 3 gian hậu cung song song với nhau.

Trong các di tích thờ bà Lê Chân đền Nghè là di tích quy mô nhất, một trong những di tích tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Đền Nghè tọa lạc ở trung tâm nội thành, khuôn viên đền giáp hai mặt phố Lê Chân và Mê Linh thuộc phường An Biên, quận Lê Chân. Đền Nghè có hai đợt trùng tu lớn: Đợt 1 từ năm 1924 đến năm 1927; đợt 2: 2007 - 2009. Hiện nay ngôi đền gồm nhiều hạng mục kiến trúc: nghi môn, tiền tế, thiêu hương, giải vũ, hậu cung, tứ phủ, nhà bia. Pho tượng nữ tướng Lê Chân bằng đồng kích thước lớn, cao 7,5m, nặng 19 tấn, đặt tại vườn hoa trung tâm thành phố cách đền Nghè hơn 100m về phía Tây Bắc.

Từ thành phố Hải Phòng theo quốc lộ 5 khách hành hương tiếp tục thăm đình Mai Động, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Tương truyền sau khi cản đoàn chiến thuyền của Mã Viện ở sông Bạch Đằng, đội thủy binh của Lê Chân đã rút lui, tập kết về vùng Hồ Tây, Hoàng Mai bên bờ phải sông Hồng. Tại làng Mai Động xưa, nữ tướng Lê Chân gấp rút củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, đóng thêm thuyền chiến. Bà cho binh sỹ luyện tập võ nghệ, mở lò đấu vật. Mọi việc đã xong, nữ tướng Lê Chân gấp rút hành quân về bảo vệ kinh đô Mê Linh đang bị quân thù uy hiếp. Ngôi đình dựng trên khu đất xưa kia là lò đấu vật, luyện võ cho trai gái trong làng tham gia đội quân của nữ tướng, dân làng thờ bà Lê Chân làm Thành hoàng làng.

Căn cứ cuối cùng

Rời đình Mai Động, du khách đi theo tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình (quốc lộ 1A mới) xuôi về phía Nam, đến thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) thì rẽ vào đường 21A, ngược lên thị trấn Quế (Kim Bảng) khoảng 5km rẽ trái theo đường về nhà máy xi măng Bút Sơn để đến thăm đền bà Lê Chân và dấu tích căn cứ cuối cùng của Nữ tướng ở thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn.

Nhớ công ơn nữ tướng Lê Chân nhân dân đã lập đền thờ bà nằm ở phía Tây Nam thôn Lạt Sơn. Ngôi đền dựng từ lâu đời, tọa lạc dưới chân đồi Ông Tượng, chính diện quay hướng Nam, điểm cuối căn cứ cuối cùng của nữ tướng Lê Chân, vốn ngôi đền khung gỗ, mái lợp ngói ta bị xuống cấp nặng đã được xây dựng lại, có quy mô kiến trúc vừa phải, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, tiền đường ba gian, hai chái, hậu cung một gian. Thức kiến trúc Tòa tiền đường kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong, mái lợp ngói mũi hài, diềm mái tạo dải lá đề; phần cổ diêm giữa hai tầng mái phía ngoài mặt chính đắp 4 chữ Hán "Lê Anh Nữ Tướng". Tượng bà Lê Chân thân phủ màu vàng đeo kiếm, cao 5,5m (cả đài và tượng) tư thế uy nghiêm đặt trước cửa đền.

Tương truyền sau khi Hai Bà Trưng thất trận phải gieo mình tự vẫn trên sông Đáy, nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh rút về phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Nữ tướng Lê Chân đã chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán, để một bộ phận nghĩa quân của nàng Tía, Lão tướng Đô Dương tiếp tục rút về Cửu Chân (Thanh Hóa) vì tuyến đường thượng đạo từ Ba Vì cũng qua đây. Căn cứ Lạt Sơn tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7km từ Bắc xuống Nam. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2.000 năm, vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận đánh cuối cùng của bà Lê Chân.

Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc Voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh. Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể, thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi Thượi cao khoảng 225m đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân, có lẽ là địa điểm tập hợp kiểm đếm số lượng binh sĩ. Sau thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì nơi trú đóng của hai đội quân. Đồi ông Tượng, điểm cuối căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Cách vị trí đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3km là thung Trống, nhân dân địa phương giải thích là nơi có lầu trống dùng để đánh cầm canh và hiệu lệnh chiến đấu. Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dớn, non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng mấy chục mẫu cần xác minh thêm về ý nghĩa.

Cùng với xây dựng căn cứ, nữ tướng Lê Chân gấp rút chiêu mộ thêm binh sĩ chủ yếu là người Lạt Sơn và các vùng lân cận, lập nhiều cơ đội. Đạo quân của Đô Dương đã bổ sung một bộ phận binh sĩ, trong đó có nhiều người họ Dương cho căn cứ Lạt Sơn.

Căn cứ còn chưa vững chắc, Mã Viện đã đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, hơn nữa lão tướng Đô Dương, nàng Tía đã rút lui an toàn, bà cho binh sĩ bí mật rút khỏi căn cứ để mưu kháng chiến lâu dài, còn bà và số ít tướng lĩnh, một bộ phận quân sĩ ở lại tử thủ. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở Đồng Loạn, nữ tướng Lê Chân cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi sa vào tay giặc (núi này cách đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3km về phía Tây). Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quý Mão (43). Mấy tướng tâm phúc đã mai táng bà ở một hang động trong căn cứ.

Nữ tướng Lê Chân đã tuẫn tiết trên đất Hà Nam, được các triều đại phong kiến Việt Nam ban phong là "Nam hải uy linh Thánh Chân công chúa", nhân dân tôn phong Bà là Mẫu/ Phật/Thánh/Tiên, thờ phụng Bà trong các ngôi đình, ngôi đền trong không gian rộng lớn. Không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam mà cả nước đều tôn vinh Nữ tướng Lê Chân như biểu tượng của phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất.

Tam Mai

Tam Mai, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.