Những năm trước, chuẩn bị bước vào năm học mới, Từ đường Nguyễn Khuyến, xã Trung Lương (Bình Lục) thường đón nhiều đoàn học sinh và thầy cô giáo các trường trong và ngoài tỉnh về dâng hương tưởng nhớ cụ Nguyễn; đồng thời tham quan, vãng cảnh Từ đường. Năm nay khác, sang thu, trời cao trong xanh, nắng vàng rực rỡ, năm học mới cũng đã bắt đầu, nhưng cổng Từ đường Nguyễn Khuyến vẫn cửa đóng then cài, lá vàng rơi xào xạc trước ngõ.
Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5, dòng trưởng đích tôn của cụ Nguyễn chia sẻ: Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, của các cấp, các ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Từ đường Nguyễn Khuyến tạm thời đóng cửa, không đón khách. Từ sớm, có trường học ở Hà Nội, thầy cô điện thoại hẹn lịch cho các em học sinh về thăm Từ đường vào những ngày cuối tháng Tám, nhưng do diễn biến dịch bệnh còn hết sức phức tạp nên cả Từ đường và nhà trường cùng thống nhất hẹn dịp khác, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Từ đường Nguyễn Khuyến đóng cửa nhưng hằng ngày bác Tùng vẫn chăm chỉ quét dọn Từ đường sạch sẽ. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không mở cửa đón khách nên toàn bộ thời gian rỗi bác Tùng tập trung dọn vườn, chăm sóc cây... chờ đến ngày được mở cửa. Sang thu, “vườn Bùi chốn cũ” vẫn cây vối già thân trắng mốc lặng lẽ nghiêng cành bên bờ ao. Đúng mùa, quả vối chín đen không ai trẩy rụng đầy dưới gốc, lẫn trong đám lá khô. Ao thu, nước trong vắt, hoa sen, hoa súng nở hồng, nở tím mặt ao. Quanh ao, rất nhiều loại cây ăn trái như: Mít, dừa, nhãn… được trồng để lấy trái, đồng thời cũng tạo nên cảnh đẹp bình dị, gần gũi nơi Từ đường trầm mặc và uy nghiêm. Vắng người đến thăm quan nhiều tháng, con đường nhỏ lát gạch đỏ chạy quanh ao thu, quanh lạch nước trước sân nhà rêu xanh phủ nhiều. Thu sang, nhưng vườn Bùi cây lá vẫn mướt xanh, các loại hoa đua nhau nở rộ… Xa xa, nơi bờ rào tre trúc ken dày sát cạnh là cánh đồng lúa đã uốn câu chấp chới những cánh cò, cánh vạc rủ nhau về đậu nơi cao tít ngọn tre...
Theo lời giới thiệu nơi Từ đường, nhà thơ Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, sinh năm 1835, mất năm 1909. Năm 1864 Nguyễn Khuyến đỗ đầu khoa thi Hương. Đến năm 1871 ông liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình. Vì đỗ đầu cả ba kỳ thi nên ông còn được gọi với cái tên quen thuộc “Tam nguyên Yên Đổ”. Với hơn 800 tác phẩm viết bằng chữ nôm, chữ Hán ở nhiều thể loại, như: Thơ, văn, câu đối… đặc biệt là chùm 3 bài thơ: Thu điếu, thu ẩm, thu vịnh đã đưa ông lên vị trí hàng đầu “nhà thơ làng cảnh Việt Nam”.
Từ đường Nguyễn Khuyến được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991 – là địa chỉ được người dân, đặc biệt là các thầy cô giáo và học trò nhiều trường trong cả nước muốn được ít nhất một lần về dâng hương tưởng nhớ nhà thơ lớn của dân tộc, đồng thời được tận mắt ngắm cảnh “vườn Bùi”, “ao thu”… – những cảnh đẹp bình dị, gần gũi, thân thương nơi làng quê đã đi vào những áng thơ bất hủ để lại cho hậu thế của nhà thơ Nguyễn Khuyến. “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu/Nước biếc trông như tầng khói phủ/Song thưa để mặc bóng trăng vào…” – Thu Vịnh. “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo…” – Thu Điếu. “Năm gian nhà nhỏ thấp le te/Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe/Lưng giậu phất phơ mầu khói nhạt/Làn ao lóng lánh bóng trăng loe …” – Thu Ẩm.
Bác Tùng cho biết thêm, thời điểm chưa có dịch Covid-19, Từ đường Nguyễn Khuyến mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần. Mùa hè, hằng ngày Từ đường mở cửa từ hơn 5 giờ sáng, 18 giờ mới đóng cửa. Mùa đông, mở cửa lúc 6 giờ 30, đóng cửa lúc 17 giờ. Thu này có khác, để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tháng qua Từ đường Nguyễn Khuyến tạm thời đóng cửa không đón khách. Chiếc cổng gạch thân quen phía trên có 3 chữ lớn “môn tử môn” (cửa ra vào của học trò) cửa đóng 24/24 giờ. Ngoài ngõ, không gian vắng lặng, im ắng, chỉ có lá vàng rơi bay xào xạc. Trong cổng, hằng ngày Từ đường vẫn được bác Tùng quét dọn sạch sẽ, “vườn Bùi”, “ao thu” vẫn được dọn dẹp, chăm sóc cẩn thận… Từ đường Nguyễn Khuyến luôn sẵn sàng cho ngày được mở cửa đón khách về thăm trở lại, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Phạm Hiền