Tháp bà Ponaga, chùa Long Sơn, chùa Suối Đổ, nhà thờ chính tòa Kito Vua là những điểm du lịch tâm linh du khách có thể tham quan khi đến Khánh Hòa.
Tháp bà Ponagar Nha Trang
Tháp bà Ponagar cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km, nằm trên một quả đồi nhỏ. Từ Ponagar theo tiếng Chăm có nghĩa là "mẹ xứ sở". Công trình được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VII đến XIII. Tháp thờ nữ thần Po Ina Nagar - vị thần tạo dựng nên Trái Đất, nước, cây cối và thực phẩm, là sự khởi nguyên của sự sống.
Tổng thể kiến trúc có ba khu vực: Khu vực Tháp Cổng, Mandapa (khu tiền đình) và cuối cùng là khu đền tháp. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hiện nay chỉ còn lại 5 công trình ở Mandapa và đền tháp.
Mandapa là khu vực Tiền Đình có 4 hàng cột với 10 cột trụ lớn ở trong và 12 cột trụ nhỏ bao ngoài. Trước đây, vị trí này là nơi chuẩn bị các lễ vật dâng lên các vị Thần trước giờ hành lễ. Để lên dâng hương, du khách phải đi qua những bậc thang độ dốc lớn. Người xưa quan niệm rằng, để gặp được nữ thần, con người phải vượt qua thử thách. Đó là sự tôn kính đối với vị thần của trời biển.
Khu vực thứ hai là đền tháp, trước đây có 6 kiến trúc, nhưng hiện nay chỉ còn 4 gồm: tháp Đông Bắc, tháp Nam, tháp Đông Nam và tháp Tây Bắc. Tháp Đông Nam là tháp chính, cao nhất (23m), đặt tượng thờ Nữ thần Po Ina Nagar, hai bên là ban thờ Cô và Cậu. Từng đường nét kiến trúc đều mang các ý nghĩa tâm linh mà người Chăm Pa muốn khắc ghi lại, thể hiện sự tôn thờ đối với các vị thần.
Chùa Long Sơn
Đây là ngôi cổ tự trăm tuổi, được xây dựng vào năm 1886 và đặt tên là Đăng Long Tự. Qua thời gian, sau nhiều lần trùng tu, Long Sơn vẫn giữ được nét kiến trúc điêu khắc độc đáo từ thời xa xưa.
Chùa Long Sơn còn được gọi với tên gọi khác là chùa Phật Trắng. Nơi đây có bức tượng Kim Thân Phật Tổ, được tạc trong tư thế tọa thiền trên Phật đài, xây dựng năm 1963. Bức tượng được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là "tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam", với độ cao của tượng là 14 m và từ mặt đất lên là 24 m.
Để lên viếng Kim Thân Phật Tổ, khách thập phương cần vượt qua 193 bậc thang. Tại bậc thứ 44 là bức tượng lớn thứ 2 của chùa - tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn. Tượng được làm từ đá hoa cương, dài 15 m, cao 5 m, sau lưng là bức phù điêu 49 đệ tử của Đức Phật hội tụ trong ngày Phật nhập diệt.
Khuôn viên Long Sơn rộng hơn 3.000 m2, chánh điện rộng hơn 1.500 m2. Địa điểm quy định khách phải mặc quần dài mới được vào tham quan, nhằm giữ nét uy nghiêm nơi cửa Phật.
Chùa Ốc Cam Ranh
Chùa Ốc hay còn gọi là chùa Từ Vân, xây dựng từ năm 1968, nằm ngay trung tâm thành phố Cam Ranh, cách Nha Trang khoảng 60 km về hướng Nam.
Điểm nổi bật nhất của chùa Ốc là tháp Bảo Tích được xây dựng bằng đá san hô, cao 39 m. Tầng 1 của tháp dành cho du khách tới thăm quan, tầng 2 là nơi thờ phụng Phật. Tháp có cấu trúc cầu kỳ với 49 tiểu tháp hình chóp ở bên ngoài, trong mỗi tiểu tháp có một tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt. Tám cửa tượng trưng cho "Bát chánh đạo".
Các hoa văn trang trí trong tháp đều được chạm khắc và kết nối từ vỏ ốc, vỏ sò. Để có được công trình này, các nhà sư phải mất 5 năm để thực hiện.
Sau khi tham quan tháp Bảo Tích, du khách có thể đi tới con đường dẫn tới Địa Ngục dài 500m. Con đường đi xuống lòng đất, không gian tối dần, không khí ẩm ướt, quang cảnh âm u. Trên đường có 12 tấm bảng ghi các tội ác của con người ở trần gian, khuyên răn mọi người không làm việc ác mà phải sống lương thiện, tạo phúc đức.
Khu vực cuối cùng du khách có thể tham quan là Bát Nhã Hoa Viên. Nơi đây trồng nhiều cổ thụ cùng các loại hoa, cây cỏ, đặt tượng muông thú làm từ vỏ ốc, thống nhất với kiến trúc đặc trưng.
Nhà thờ chính tòa Kito Vua
Nhà thờ chính tòa Kito Vua được người dân địa phương gọi với nhiều cái tên như nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Đá, nhà thờ Núi. Công trình tọa lạc trên đỉnh đồi Hoàng Lân, đầu đường Nguyễn Trãi giao với đường Thái Nguyên (Ngã 6). Nhà thờ khởi công xây dựng ngày năm 1928, hoàn thành vào năm 1933. Để tạo được mặt bằng trên đỉnh núi Bông, độ cao 12m, khi xây dựng người ta phải dùng khoảng 500 trái mìn.
Công trình xây dựng theo kiến trúc Gothic Công giáo phương Tây với vòm cuốn cao rộng, hướng thẳng lên trời. Gác chuông cao ở chính giữa, bên trong treo 3 quả chuông, bên ngoài là đồng hồ lớn, bốn mặt quay bốn hướng.
Phía trong nhà thờ không gian rộng, thoáng, phân thành khu vực cung thánh và khu phía sau cung thánh mang vẻ thanh tịnh, trang nghiêm. Cửa sổ là những bức tranh Thánh, làm từ kính màu, khiến không gian của Thánh Đường tràn ngập ánh sáng.
Du khách đến đây tham quan nên lưu ý giờ lễ để không gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm. Giờ lễ chính của Nhà thờ Nha Trang vào ngày thường là từ 4h45 và 17h. Riêng Chủ Nhật là lúc 5h, 7h, 9h30, 15h, 16h30 và 18h30. Mỗi lễ kéo dài khoảng 1 tiếng.
Chùa Suối Đổ
Tọa lạc ở độ cao 200 m, phía Tây sườn núi Hoàng Ngưu, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, ngôi chùa với mái đỏ, nổi bật lên giữa thiên nhiên xanh ngắt. Đến đây, du khách có thể chìm đắm trong cảnh thiên nhiên với núi rừng, hồ, thác nước và dòng suối róc rách chảy qua từng khe đá, hòa cùng tiếng chim, tạo nên cảm giác yên bình, thanh tịnh.
Sau khi leo hàng trăm bậc thang cheo leo trên núi Hoàng Ngưu, du khách sẽ thấy hai con đường dẫn tới hai ngôi chùa trong quần thể Chùa Suối Đổ là Quan Âm Sơn Tự bên trái và Phổ Đà Sơn Tự ở bên phải.
Quan Âm Sơn Tự là nổi tiếng với bức tượng Phật Quan Âm đang nhìn xuống thành phố Nha Trang. Chánh điện của thờ Phật Bà Quan Âm, bên phải là đền thờ Ngũ Mẫu - Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bên trái là miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Phổ Đà Sơn Tự là nơi thờ Phật Bổn Sư Di Đà.
Phía sau chùa Phổ Đà có một con đường dẫn tới giếng Tiên nằm trên đỉnh núi. Giếng sâu không thấy đáy, quanh năm có nước, không bao giờ cạn. Nước trong giếng mát và trong vắt, theo triền đá chảy xuống, tạo thành những dòng suối nhỏ.
Vào những ngày vía Bà là ngày 8, 18, 28 tháng Giêng âm lịch, người dân Khánh Hòa thường tới đây làm lễ, dâng sớ cầu mong cho mọi việc thuận lợi và bình an.
Theo vnexpress.net