Có 41,2% người Việt được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp tháng 9 đến tháng 11/ 2020, trong đó các điểm đến nhiều người muốn ghé thăm là: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội…
Mới đây, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã thông báo kết quả khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch sau Covid-19 tính đến ngày 20/9/2020.
Theo đó, có 41,2% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp tháng 9 đến tháng 11/ 2020; 20,1% muốn đi du lịch vào thời điểm tháng 12 đến tháng 1; 12,4% có kế hoạch đi du lịch vào dịp tết Âm lịch, từ tháng 2 đến tháng 4/ 2021; 18,2% số người muốn đi du lịch vào dịp nghỉ hè (từ tháng 5 đến tháng 9/ 2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ đi du lịch muộn hơn.
Phần lớn khách du lịch Việt Nam muốn đi du lịch với gia đình khi có tới 48,6% người được hỏi lựa chọn hình thức này; 30,8% cho biết sẽ đi cùng bạn bè; 13% muốn đi theo tour của các công ty du lịch; 5,9% số người muốn đi du lịch một mình và khoảng 1,7% số người được hỏi lựa chọn đi cùng cơ quan, công ty.
Cũng theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đông đảo du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam như: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội…
Trong hành trình khám phá của mình, những hoạt động được du khách quan tâm là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí.
Đối với khách du lịch thời điểm này, có đến 56% số người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch đi du lịch và 32,8% số người cho biết khả năng tài chính sẽ tác động đến chuyến đi.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, kết quả khảo sát của nghiên cứu vừa rồi đã phản ánh đúng tâm lý và nhu cầu của khách đi du lịch trong nước trong bối cảnh hiện nay. Nhu cầu đi du lịch là nhu cầu cấp thiết của người dân, tuy nhiên thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhu cầu này bị “kiềm chế lại”.
Khác với đợt kích cầu lần 1 vào tháng 5 vừa qua, đợt kích cầu du lịch lần 2 này sẽ chú trọng vào yếu tố hấp dẫn và an toàn.
“Sau 9 tháng chống chọi với dịch bệnh nguồn lực của doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng không nhỏ, chúng ta không thể giảm giá thấp hơn nữa.
Hiện nay đang là mùa du lịch thấp điểm, cần phải bổ sung thêm các dịch vụ gia tăng cho khách để đa dạng, phong phú, hấp dẫn về dịch vụ, tăng trải nghiệm thu hút khách đi du lịch. Bên cạnh đó yếu tố an toàn trong phòng chống dịch vẫn phải được đảm bảo”, ông Khánh nói.
Trước đó, ngày 18/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt tay nhau đưa ra các chương trình, sản phẩm với giá ưu đãi nhưng chất lượng dịch vụ vẫn được giữ nguyên nhằm kéo khách đi du lịch trở lại.
Tại Quảng Ninh từ tháng 9 khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống, tỉnh đã tung ra gói kích cầu lần 2 trị giá 100 tỷ đồng. Để thu hút khách, Quảng Ninh cũng giảm 50% giá vé tại các điểm tham quan nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử....
Phố cổ Hội An mở cửa đón khách tham quan trở lại từ ngày 24/9 và giảm 50% giá vé cho khách tham quan. Thành phố cũng chính thức triển khai trở lại đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”, các làng nghề truyền thống và hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An...
DT