Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2018), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa tổ chức gặp mặt cán bộ, nhân viên trong ngành và tọa đàm về xây dựng sản phẩm du lịch Hà Nam.
Du lịch Hà Nam hiện nhận được nhiều sự quan tâm của du khách và các đơn vị làm du lịch trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị đã bước đầu xác định sản phẩm du lịch chính của Hà Nam là du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao; du lịch làng nghề, công nghiệp sạch.
Các đại biểu dự tọa đàm.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Hà Nam đã phối hợp với những đơn vị làm du lịch liên kết các đơn vị trong cụm đồng bằng sông Hồng giới thiệu vùng trồng nông sản sạch; xây dựng kế hoạch thành lập Hợp tác xã hoa và cây cảnh sinh thái Phù Vân.
Bên cạnh việc xác định được các sản phẩm du lịch đặc thù các doanh nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận một số doanh nghiệp làm du lịch trong tỉnh chưa có sự liên kết trong hoạt động kinh doanh; nhiều đơn vị chưa bắt kịp với sự phát triển của du lịch, cơ sở vật chất quy mô nhỏ lẻ.
Các doanh nghiệp đề nghị Sở VH,TT&DL tham mưu mở các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả trong kinh doanh du lịch.
Lãnh đạo Sở VH,TT&DL, lãng đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ trì tọa đàm.
Theo lãnh đạo Sở VH,TT&DL, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tới đây trình HĐND tỉnh thông qua. Hà Nam cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý với những cơ chế, chính sách và định hướng để các đơn vị xác định đầu tư, phát triển kinh doanh du lịch. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc được xác định là khu du lịch đa chức năng, là điểm du lịch đột phá thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển.
C.B
Chu Bình