Tiềm năng phát triển du lịch đêm

Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch đêm đã tạo ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước như: chương trình nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ ở Hà Nội, tour đêm phố cổ Hoa Lư ở Ninh Bình, tour Quận 1 - Sắc màu đêm ở thành phố Hồ Chí Minh… Hiệu quả mà các sản phẩm này mang lại cho thấy tiềm năng của việc khai thác các hoạt động du lịch đêm ở Việt Nam.

Tìm hướng phát triển mô hình du lịch đêm
Du khách trải nghiệm tour đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương. Phố đi bộ, chợ đêm và tổ hợp giải trí đêm riêng biệt là các mô hình được định hướng xây dựng. Để việc vận hành diễn ra thông suốt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ ban hành các quy chế, quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm đồng bộ, an toàn và đúng pháp luật.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về phê duyệt Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Việc thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, nhằm từng bước đưa du lịch đêm trở thành nhân tố chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm.

Có thể kể đến một số tỉnh, thành phố đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch đêm như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cần Thơ… Hoạt động du lịch đêm đã và đang được đầu tư với mục tiêu đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã định hướng 5 mô hình phát triển du lịch, bao gồm: hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Sản phẩm du lịch đêm vẫn còn đơn điệu, việc quy hoạch không gian riêng còn hạn chế.

Vì thế, thời gian tới, việc xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm cần xác định khu vực, địa bàn cụ thể, bảo đảm kết nối thuận tiện. Công tác nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh và bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm. Các địa phương xây dựng đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho du khách.

Đồng thời, tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và an toàn.

Tìm hướng phát triển mô hình du lịch đêm
Vẻ lung linh ở tour đêm Vườn quốc gia Cúc Phương.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch bằng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực của ngành; chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, các kỹ năng quản lý, giao tiếp, ngoại ngữ… cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm.

Về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư, các địa phương cần khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội nhằm đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phát triển các sản phẩm du lịch. Song song với hoạt động đó là định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan.

Việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo về thị trường khách giữ vai quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch đêm phù hợp. Mặt khác, công tác triển khai quảng bá hướng tới nhóm lưu trú dài ngày, có khả năng chi tiêu cao và sử dụng các sản phẩm chất lượng cao.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh cũng được nhấn mạnh. Một số điểm đến đã triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, thanh toán trực tuyến, công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ, tăng cường xúc tiến sản phẩm du lịch đêm…

Hà Nội triển khai mô hình du lịch đêm hiệu quả

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình du lịch đêm hiệu quả.

Nếu như show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của đạo diễn Hoàng Nhật Nam gây ấn tượng bởi bối cảnh sân khấu, với sự trình diễn của 250 người trên sân khấu nước rộng 4300m2; tour tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm ghi dấu với cách dẫn chuyện sắc sảo qua chương trình trải nghiệm chủ đề “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”; thì tour đêm “Tinh hoa Đạo học” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại cho thấy tính quy mô về dàn dựng, sự hòa quyện của âm thanh và ánh sáng.

Bên cạnh đó, "Giải mã Hoàng Thành" tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, "Chữ Tâm Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… đều là những sản phẩm du lịch đêm độc đáo, thu hút nhiều khách du lịch tham gia.

Sở Du lịch Hà Nội mong muốn, việc phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có thể mang lại cho người dân và du khách những không gian văn hóa sáng tạo, những sản phẩm du lịch chất lượng và có giá trị gia tăng cao. Từ đó, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội chung của thành phố.

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy