Thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Với một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, nơi còn tồn tại hàng nghìn di tích và hàng trăm lễ hội, Hà Nam được coi là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh.

Xác định mục tiêu "Xây dựng Hà Nam trở thành trung tâm du lịch trọng điểm về văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần quan trọng trong vùng Đồng bằng Bắc bộ và cả nước", trong suốt hai thập kỷ qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng các dự án lớn về du lịch văn hóa, khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...

Từ lễ hội mùa Xuân đến di sản văn hóa

Trong số hơn 100 lễ hội lớn, nhỏ ở Hà Nam còn tồn tại đến ngày nay, có tới ba phần tư lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Hầu hết các lễ hội mùa Xuân vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống và tổ chức được phần hội phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của con người. 

Thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Lễ hội đền Lảnh Giang luôn tạo sức hút đặc biệt với du khách thập phương từ những nghi thức truyền thống đến giá trị văn hóa của lễ hội.

Nếu như trước đây, các lễ hội này chủ yếu thu hút sự tham gia của nhân dân địa phương, nhưng giờ, nhiều lễ hội trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Nhân dân cả nước đã biết đến Hà Nam thông qua các lễ hội như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội Phát lương đền Trần Thương, Lễ hội chùa Tam Chúc, Lễ hội chùa Bà Đanh, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi, Lễ hội đền Bà Vũ, Lễ hội đền Trúc...

Trong Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được triển khai thực hiện từ năm 2012, dự tính, năm 2020, số khách đến Hà Nam sẽ đạt mốc trên 1,8 triệu lượt người, trong đó có 63.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019, số khách du lịch đến Hà Nam đã đạt gần 3 triệu lượt, trong đó có hơn 100.000 lượt khách quốc tế.  Đây là năm Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao đã cơ bản hoàn thành Dự án hạ tầng kỹ thuật để phục vụ Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc lần thứ 16 do Hà Nam đăng cai tổ chức vào tháng 5.

Trước đó, vào tháng Giêng, lần đầu tiên tại Khu Văn hóa tâm linh Tam Chúc đã tổ chức Lễ hội chùa Tam Chúc, thu hút hàng vạn khách du lịch đến chiêm bái, vãn cảnh và dự lễ hội mỗi ngày. Từ khi Lễ hội chùa Tam Chúc diễn ra đến sự kiện Vesak 2019, quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc đã chính thức nổi tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Ông Tạ Đình Quyền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc là sự kiện văn hóa ngoại giao lớn giúp cho Hà Nam có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, mở ra con đường kết nối di sản với các địa phương trong khu vực và cả nước, khẳng định lễ hội văn hóa tâm linh của chúng ta chính là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng.

Ngay từ những ngày đầu năm, du khách có thể hành hương về vùng đất này bắt đầu những cuộc du xuân đầy ý nghĩa với Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (mồng 7 tháng Giêng), Lễ hội chùa Tam Chúc (12 tháng Giêng), Lễ hội Phát lương đền Trần Thương, (ngày  15 tháng Giêng)... Tiến sỹ Nguyễn Minh San, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam khẳng định: "Lễ hội truyền thống Hà Nam – lễ hội của niềm vui nông tang, ngày hội mừng chiến thắng, hội khỏe, trí tuệ, lễ hội của nghệ thuật (hát Lải lèn, hát Dậm...). 

Kho tàng lễ hội Hà Nam không có lễ hội nào có những nghi thức hay hành động phản cảm, những hủ tục không phù hợp với đời sống hiện đại, bị dư luận lên án... Nó mang những màu sắc riêng của vùng đồng bằng chiêm trũng, là nơi biểu hiện khát vọng và niềm tin của con người Hà Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại". Phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội, trong nhiều năm, Hà Nam đã làm tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, để nhiều lễ hội được nâng tầm giá trị trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi, Lễ Phát lương đền Trần Thương, Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội chùa Bà Đanh, Lễ hội chùa Đọi Sơn.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn 

Lễ hội ở Hà Nam được tổ chức tốt đã khẳng định giá trị văn hóa là sinh hoạt mang tính cộng đồng, cộng cảm, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tổng hòa do cộng đồng sáng tạo và hưởng thụ. Quy mô nhiều lễ hội được mở rộng, thu hút khách tham quan ở mọi vùng miền để trở thành một sản phẩm du lịch giàu tiềm năng của Hà Nam. 

Theo ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam, lễ hội văn hóa được coi là sản phẩm du lịch, nếu biết khơi dậy và phát huy tiềm năng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thực tế những năm qua, khi Hà Nam thực hiện đầu tư phát triển các dự án du lịch tâm linh như: Quần thể du lịch Tam Chúc, Ngũ động Thi Sơn, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, đền Bà Vũ, chùa Long Đọi Sơn, chùa Bà Đanh... lượng khách du lịch đến với Hà Nam ngày một đông. Số lượng du khách thực tế đến đây đã vượt mức dự báo trước đó rất nhiều. Điều đáng nói nhất, du khách đến Hà Nam chủ yếu từ những lễ hội, những di tích văn hóa tâm linh tiêu biểu.

Thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Lễ hội Vật võ Liễu Đôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nam.

Năm 2020, đại dịch    Covid-19 bùng phát ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, tất cả các lễ hội dừng tổ chức từ mùng 10 tháng Giêng, tại các di tích bảo đảm giãn cách và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Lễ hội chùa Tam Chúc, Lễ Phát lương đền Trần Thương dù đã chuẩn bị công phu cũng đành dừng lại...

Hằng năm, chỉ tính riêng Lễ hội Phát lương đền Trần Thương cũng thu hút khoảng 30 vạn du khách đến tham quan, chiêm bái, xin lương đầu năm. Đại dịch Covid-19 đã làm lượng khách đến Hà Nam giảm hẳn so với năm 2019 vì các lễ hội dừng tổ chức. Tính chung, lượng khách du lịch cả năm 2020 đến Hà Nam chỉ đạt trên 1,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế hơn 114.000 lượt người.  

Ông Trần Văn Tiến nói: Sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch rất nặng nề. Nhưng thông qua những ảnh hưởng này mới thấy vị thế của loại hình du lịch tâm linh ở Hà Nam quan trọng như thế nào. Tôi nghĩ, nếu không có dịch bệnh Covid-19, năm 2020 lượng khách đến Hà Nam sẽ đạt kỷ lục vì tỉnh đã có những đầu tư rất lớn cho xây dựng, tôn tạo và tu bổ các di tích; tổ chức các lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con người. Những nghi thức lễ hội truyền thống được gìn giữ và hấp dẫn du khách bởi những yếu tố đặc trưng vùng miền, phản ánh sâu sắc nội tâm của con người trước cuộc sống, tự nhiên. Đó là những lễ hội mang ý nghĩa văn hóa lịch sử sâu sắc, gắn với ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước, niềm tự hào dân tộc của mỗi người Việt Nam...

Lần đầu tiên, trong khủng hoảng vì dịch bệnh, ngành du lịch Hà Nam đã tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch thông qua việc tổ chức phát động hưởng hứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc,  Tuần du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang gắn với Lễ hội đền Lảnh Giang. Mục đích của các hoạt động này nhằm phục hồi thị trường du lịch và khôi phục nhanh các hoạt động du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn chưa chấm dứt, tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới các lĩnh vực đời sống, trong đó có du lịch. Hà Nam tiếp tục khẳng định tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Lễ hội văn hóa tâm linh chính là sản phẩm du lịch tiềm năng và hấp dẫn du khách đến Hà Nam./.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy