Nơi đây không chỉ là di tích có giá trị về kiến trúc, văn hóa mà còn gắn liền với lịch sử hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Thánh đường này là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi tới Bình Định.
Tiểu chủng viện nằm ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 10 km về hướng đông bắc. Quần thể này rộng khoảng 2.000 m2, gồm nhiều công trình kiến trúc nằm trên một gò đất cao giữa một vùng đồng lúa bát ngát, gần cửa Phú Hòa đổ ra đầm Thị Nại.
Theo tài liệu ghi chép, Tiểu chủng viện được xây dựng khoảng năm 1841-1850, ban đầu chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre, nằm giữa một gò cao, bao quanh là hào nước mát rượi với những hàng cây sao xanh cổ thụ. Trải qua nhiều lần nâng cấp, thay đổi, công trình kiến trúc hiện nay được cho là xây dựng vào năm 1927. Tiểu chủng viện là nơi đào tạo các tu sĩ, sau khi hoàn thành việc học tập ở đây sẽ tiếp tục học tại Đại chủng viện để trở thành linh mục.
Giống như những thánh đường khác, kiến trúc nơi đây được thể hiện vô cùng tỉ mỉ, tinh tế theo phong cách kiến trúc Gothic và mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp. Điều đó được thể hiện qua tường vôi vàng, mái ngói, hành lang bao quanh có những hàng cột và cửa vòm đối xứng đẹp mắt khiến quần thể này vừa hoa lệ, uy nghi, trầm mặc giữa các thôn làng dân dã, vừa cổ kính, thanh bình đến kỳ lạ. Dù đã trải qua hơn trăm năm tuổi, tổ hợp kiến trúc này vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Tiểu chủng viện Làng Sông có ý nghĩa lịch sử đặc biệt gắn liền với sự ra đời, truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ tại Việt Nam. Trong quần thể Tiểu chủng viện, nhà in Làng Sông được xây dựng năm 1872, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh. Năm 1904, nhà in được tái thiết. Đây là một trong ba cơ sở in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, cùng với nhà in Tân Định (Sài Gòn) và nhà in Ninh Phú (Hà Nội). Qua bao thăng trầm thời cuộc, Tiểu chủng viện Làng Sông ngày nay vẫn hiện diện như một dấu son lịch sử và trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi tới thăm Bình Định.
Theo nhandan.vn