Khi tham quan tại Quảng Trị, du khách có thể quét mã QR tại 10 điểm di tích nổi tiếng, nơi đây sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về danh lam thắng cảnh, đặc sản, lễ hội,... mà du khách cần tìm hiểu.
Đây là công cụ mới đưa vào sử dụng tại Quảng Trị, nhằm quảng bá du lịch và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Các điểm quét mã QR code có tích hợp thông tin thuyết minh song ngữ Việt - Anh về thông tin liên quan tại 10 khu di tích lịch sử - văn hóa nổi bật của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, xây dựng cẩm nang tổng quan về du lịch trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu hướng đến du lịch của địa phương sẽ bắt kịp với du lịch thông minh hiện nay, mang đến trải nghiệm mới cho du khách khi đến tham quan tại Quảng Trị.
Bảng tên có 4 mã QR chia thành 2 phần: 2 mã QR ở phần bảng Tiếng Việt và 2 mã QR ở phần bảng Tiếng Anh với 2 nội dung chính được mã hóa trong mã QR: "địa danh" và "cẩm nang". Trong đó sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về danh lam thắng cảnh, đặc sản, lễ hội, làng nghề, di chuyển, nơi lưu trú... tại điểm du lịch mà du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - ông Hà Sỹ Đồng cho biết: Để góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Quảng Trị sớm trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định việc xây dựng các Đề án trọng tâm về sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh.
Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng đề nghị các cơ quan, ban ngành đoàn thể tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo triển khai những công trình, phần việc hỗ trợ hoạt động quảng bá, thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo thống kê của các ngành chức năng địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình 7%/năm, trong đó khách quốc tế là 3,25%/năm, khách du lịch nội địa là 9%/ năm.
Ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, du lịch Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Trước hết là khả năng liên kết giữa du lịch của Quảng Trị với các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng để hình thành tour, tuyến vẫn còn hạn chế nên chưa tạo được tính hấp dẫn chung.
Trong khi đó, loại hình du lịch biển, đảo cũng là một tiềm năng của tỉnh lại chưa được khai thác tối đa khiến tính cạnh tranh còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Quảng Trị thông qua những sản phẩm độc đáo. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chính là việc tạo ra những trải nghiệm mới, khác lạ cho du khách dựa vào nguồn lực riêng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
DT