kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Nam

Phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Nam

Du lịch cộng đồng hiện được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng còn vừa giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái vừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương.

Thời gian qua, du lịch Hà Nam đã có nhiều dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước, nhất là khi Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng) mở cửa đón khách và là địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019. Cùng tua Tam Chúc, du khách còn tới khu điểm du lịch đặc sắc tại địa phương như chùa Bà Đanh, đền Trúc – Ngũ Động Sơn (Kim Bảng), Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao (Lý Nhân). Tuy đã có những dấu hiệu tích cực nhưng thực tế các dịch vụ du lịch của tỉnh còn đơn điệu, lượng khách du lịch tăng cao nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu thấp. Để tháo gỡ tình trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2025”. Đề án vừa mới được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt.

Phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Nam
Khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Hải Phong

Theo đề án, không gian du lịch cộng đồng Hà Nam được chia thành 5 khu vực chủ đạo là các thôn, làng có vẻ đẹp độc đáo về phong cảnh, đặc sắc về văn hóa đại diện cho 5 huyện, thị xã của tỉnh. Đó là các thôn Vồng, Khuyến Công, Đông, Đoài thuộc xã Khả Phong và các tổ dân phố thuộc thị trấn Ba Sao (Kim Bảng); các thôn từ thôn 1 đến thôn 10 xã Hòa Hậu (Lý Nhân); các thôn Đọi Nhì, Đọi Tam, Đọi Tín, Nhất Hà, Lĩnh Trung thuộc xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên); các thôn Vị Hạ, Vị Thượng, Đồng Quang thuộc xã Trung Lương (Bình Lục) và các thôn An Hòa, Hòa Ngãi, Ứng Liêm thuộc xã Thanh Hà (Thanh Liêm). Các địa phương nêu trên sẽ được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực và các mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh du lịch cộng đồng.

 Trong những nhiệm vụ và giải pháp trên, mỗi nhiệm vụ, giải pháp đều có yếu tố như mắt xích tạo nên sự thành công của loại hình du lịch, cộng đồng nhưng bản chất của du lịch cộng đồng là một mô hình du lịch trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm du lịch cho khách du lịch. Các sản phẩm ở đây gồm ăn uống, lưu trú, đi lại, mua sắm, khám phá, trải nghiệm, thưởng thức, thăm quan và vui chơi giải trí trong chính những cảnh quan và cuộc sống sinh hoạt đời thường của cư dân bản địa. Đối với người dân Hà Nam đây là một mô hình du lịch mới, nếu nói đúng cũng chỉ manh nha tại một vài nơi với những cá nhân đơn lẻ. Để thức dậy những tiềm năng du lịch và thay đổi quan niệm của người dân về một hình thức phát triển kinh tế mới là một điều khó. Chình vì vậy, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch thời điểm này khá quan trọng bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ khác. Trước tiên đó phải là sự có ý thức về giá trị các sản phẩm du lịch tại địa phương. Ở đây không chỉ là sự bảo vệ, giữ gìn mà còn là sự hiểu biết. Đơn cử như tại các điểm có di tích, người dân cần phải biết rõ về di tích đó, như các đình, chùa có niên đại thời nào, kiến trúc đặc trưng, nhân vật thờ tự, các hoạt động văn hóa liên quan hay đặc trưng của các cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo… Trên thực tế, ở nhiều di tích ngay cả dân địa phương nhất là trong lớp trẻ ít người biết được điều này, nếu biết cũng không thấu đáo. Hay những đặc điểm văn hóa riêng có mà người dân phải có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy; việc ý thức và hiểu biết trong việc bảo vệ nguyên trạng, không xâm lấn những khu vực có tài nguyên du lịch.

Đặc điểm của cư dân nông nghiệp nói chung và Hà Nam nói riêng là nhiệt tình và hiếu khách nhưng để phát triển du lịch cộng đồng người dân cần phải có kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Để làm được điều này, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải bảo đảm cho cộng đồng dân cư được tham gia bàn bạc ngay từ đầu về các chủ trương, kế hoạch cũng như quá trình triển khai, thực hiện các bước của đề án. Tăng quyền lực cho cộng đồng trong việc kiểm soát, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa; quyền giám sát các vấn đề về chủ trương, chính sách, kế hoạch đầu tư liên quan đến du lịch cộng đồng và quyền xác định nguồn nhân lực có đủ điều kiện, khả năng thực hiện, tiếp cận và tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để tham gia các lớp đào tạo, tập huấn.

Du lịch lấy kinh tế làm cơ sở nhưng xét trên nhiều yếu tố khác nhau du lịch cũng là một hoạt động văn hóa. Du lịch cộng đồng chú trọng đến dấu ấn văn hóa địa phương từ các phong tục, tập quán đến nếp sống văn hóa, ẩm thực bản địa, đặc biệt dấu ấn văn hóa trong những sản phẩm của các làng có nghề truyền thống. Việc giữ được đặc trưng văn hóa chính là một trong những yếu tố sống còn của loại hình du lịch cộng đồng. Điều này trong đề án có nêu rõ, đó là cần bảo tồn, phục dựng và phát triển một số hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống; biểu diễn văn hóa dân gian; tôn vinh giá trị các công trình văn hóa, tôn giáo, tâm linh riêng có; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch. Trong du lịch cộng đồng nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm rất cao vì vậy những sản phẩm có chất lượng tốt, mang đậm nét văn hóa bản địa sẽ được tiêu thụ tốt. Hà Nam có nhiều làng nghề và đặc biệt có hệ thống các sản phẩm OCOP chất lượng sẽ góp phần đưa loại hình du lịch cộng đồng định hình và phát triển trong tương lai. Văn hóa trong các hình thức vật thể, phi vật thể nhưng văn hóa trong ứng xử, giao tiếp cũng rất quan trọng khi người dân là người trực tiếp tiếp xúc, giao lưu văn hóa và cung cấp các sản phẩm du lịch cho du khách. Vì vậy, bên cạnh các kỹ năng tự thân, các kỹ năng được tập huấn thì việc tiếp tục các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới kiễu mẫu cần dược tiếp tục phát triển thực chất và nâng lên một tầm cao mới, trong đó giá trị đạo đức, ứng xử văn hóa phải hài hòa với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy