Nhận diện thương hiệu Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc

Với chức năng là điểm nhấn của du lịch Hà Nam, điểm kết nối với các khu, điểm du lịch lớn vùng Đồng bằng sông Hồng, tiến tới mục tiêu Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc trình UNESCO công nhận là  Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã lên ý tưởng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tam Chúc.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030, Khu du lịch này có 6 khu chức năng chính. Đến nay mới có Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc với sự đầu tư từ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã cơ bản hình thành và đưa vào khai thác du lịch.

Nhận diện thương hiệu Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc
Vườn cột kinh tại chùa Tam Chúc.

Điểm nổi bật và dễ nhận thấy khi đến với Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc là các điện thờ đồ sộ với các bức tượng Phật kích cỡ lớn, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đấy không phải là những đặc điểm nhận diện thương hiệu khu du lịch này. Với ý tưởng các tôn giáo cùng nhau chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, nên khi tiến hành xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Tam Chúc, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã kết nối nhiều tôn giáo lớn cùng về đây chung tay xây dựng nên khu tâm linh với những công trình mang tính biểu tượng và trở thành những nét nhận diện thương hiệu độc đáo có một không hai.

Công trình đầu tiên đó là tháp Ngọc. Đây là công trình được xây dựng trên đỉnh ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Thất Tinh và nằm trên trục thần đạo của toàn bộ khu tâm linh. Công trình này do những người theo đạo Hindu đến từ đất nước Ấn Độ xây dựng bằng hàng ngàn khối đá granite đỏ ghép lại. Đây là công trình tiêu biểu mang dấu ấn của những người thợ quê hương Đức Phật.
Công trình thứ hai là hệ thống 12.000 bức tranh bằng đá núi lửa được khai thác, đục đẽo rất công phu, cầu kỳ và tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo đạo Hồi Indonesia. Các bức phù điêu đá trong mỗi đại điện thể hiện một chủ đề khác nhau vô cùng nhân văn và sâu sắc, nhưng cũng rất dễ hiểu. Đây là những tác phẩm có một không hai trên thế giới - những tích chuyện về Phật giáo trên tường chùa Tam Chúc trong tương lai có thể trở thành di sản tâm linh của nhân loại. 

Công trình thứ ba là hệ thống vườn cột kinh nằm trong khuôn viên của Tam quan nội và điện Quan Âm với hình thể và quy mô đồ sộ, sử dụng đá xanh nguyên khối với kích thước mỗi cột cao 12,5m, nặng 200 tấn. Dự kiến khi hoàn thành sẽ có số lượng lên đến 1.000 cột, kinh Phật sẽ được khắc trên thân cột để lưu truyền cho hậu thế. Vườn cột kinh này không chỉ minh chứng cho một nền điêu khắc đá sống động mà còn là hiện thân cho một giai đoạn lịch sử của một dòng chảy văn hóa, tâm linh đến ngàn đời. 

Ngoài các công trình đang dần hiện hữu, khi nói đến Tam Chúc không thể không nhắc đến sự đa dạng sinh học trong lòng hồ Tam Chúc với nhiều loài động vật quý hiếm. Đó là cá Trối, loài cá đặc sản chỉ sinh sống trong khu vực hồ Tam Chúc và đã được bảo tồn gen. Sáu ngọn núi trên hồ Tam Chúc còn là nơi trú ngụ của hàng ngàn cá thể cò, vạc cùng nhiều loài chim quý. Dãy núi Thất Tinh cùng hệ thống rừng Kim Bảng còn là nơi sinh sống của loài Voọc quần đùi trắng – động vật quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là điểm nhận diện khác biệt và độc đáo cho Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc, vừa đan xen văn hóa, tâm linh, vừa tham quan khám phá cảnh quan thiên nhiên độc đáo nơi núi rừng Kim Bảng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, thời gian dự kiến cho các công trình xây dựng tại Khu du lịch văn hóa tâm linh Tam Chúc của doanh nghiệp là 70 năm, hiện doanh nghiệp đã làm được khối lượng công việc của 20 năm. Tam Chúc đã được nhiều người biết đến, vì vậy việc xây dựng những biểu tượng và thương hiệu Khu du lịch văn hóa tâm linh Tam Chúc là rất cần thiết, giúp du khách vừa có cái nhìn tổng thể, vừa có sự lựa chọn cụ thể để tham quan các công trình độc đáo, đặc sắc khi đến với Tam Chúc. Đây là những biểu tượng không chỉ để nhìn ngắm đơn thuần mà còn là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm thú vị về văn hóa, tâm linh trong cảnh sắc núi non, sông hồ Tam Chúc.

Bình Chu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy