Thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nam đã và đang tập trung nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được xem là vấn đề then chốt.
Với quan điểm, đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải gắn với nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương, Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 có trên 75% nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn du lịch, 100% các thôn, làng, xã có hoạt động du lịch cộng đồng…
Thực tế những năm qua, du lịch Hà Nam đã từng bước phát triển ổn định và tăng trưởng khá từng năm. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực đời sống, đặc biệt với du lịch, du lịch Hà Nam vẫn đón hàng triệu lượt người mỗi năm, cao hơn kế hoạch đề ra.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bước đầu được quan tâm, vì thế đội ngũ lao động trong lĩnh vực này tăng lên, chất lượng dần được cải thiện. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tốc độ phát triển du lịch hiện nay, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế như: chưa bảo đảm về số lượng, chất lượng và bất hợp lý về cơ cấu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch vẫn còn thấp, số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và cán bộ giỏi về quản lý, điều hành kinh doanh du lịch…
Bắt đầu từ cuối năm 2019, Hà Nam đã triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu cơ bản được đặt ra cần phát triển nguồn lực đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và hợp lý cơ cấu trình độ, ngành nghề nhất là khung trình độ chung của quốc gia về du lịch, đáp ứng quy mô phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Đến năm 2025 có trên 75% nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn. Trong đó, 4.500 người có trình độ cao đẳng trở lên; 3.000 người có trình độ trung cấp; 4.600 người có trình độ sơ cấp; 9.900 người có trình độ dưới sơ cấp; 100% các xã, thôn, làng có hoạt động du lịch cộng đồng được triển khai đào tạo, tập huấn, hướng dẫn làm du lịch.
“Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Hà Nam cần làm tốt công tác xã hội hóa, huy động trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết, phải kể đến công tác đào tạo tại chỗ theo phương án kết hợp ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và nhà trường. Thứ hai, phải kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch. Thứ ba, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bao quát, toàn diện đến các đối tượng liên quan trong lĩnh vực du lịch, đó là nhân lực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và đơn vị sự nghiệp trong ngành du lịch từ tỉnh đến cơ sở, nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch…” – Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết.
Với dự toán kinh phí gần 13 tỷ đồng để thực hiện Đề án trong giai đoạn từ 2019-2025, Hà Nam sẽ phải huy động nguồn lực xã hội hóa gần 9 tỷ đồng, còn lại do ngân sách nhà nước cấp. Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư chuẩn hóa các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên để tuyển sinh và đào tạo nghề du lịch là rất cần thiết. Trong đó, tăng cường hợp tác và khuyến khích các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp đầu tư đào tạo nhân lực; giới thiệu và triển khai, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn nghề để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ giảng viên, thẩm định viên…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 70 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành. Số đơn vị hoạt động có hiệu quả thời gian qua không còn nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Là một trong những doanh nghiệp bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tốt nhất ở Hà Nam đến thời điểm này, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc luôn coi chất lượng nguồn nhân lực xem đây là yếu tố quyết định sự thành công của các hoạt động tại Khu du lịch Tam Chúc. Cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức liên kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động phục vụ du lịch. Chỉ tính từ năm 2019 đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện Kim Bảng nói riêng, tỉnh Hà Nam nói chung có 3.500 lao động được đào tạo ngắn hạn phục vụ Khu du lịch Tam Chúc. Các nghề đào tạo gồm lái xe điện, phục vụ phòng, vận tải đường thủy, chế biến món ăn, hướng dẫn viên du lịch. Hầu hết các đối tượng học nghề sau khi hoàn thành khóa học được nhận về làm việc tại Doanh nghiệp Xuân Trường. Hiện tại, doanh nghiệp đang sử dụng trên 500 xe điện, gần 100 tàu thủy, hàng trăm xe chở khách loại 16 và 24 chỗ ngồi… Những ngày cao điểm, Khu du lịch Tam Chúc đón hàng vạn người, nhu cầu nhân lực phục vụ du lịch tại đây vô cùng lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ phụ trách truyền thông, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết: Nếu không có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, hàng trăm nhân viên lái xe điện, ô tô, tàu thủy, đội ngũ an ninh, bảo vệ, phục vụ nhà bếp… được đào tạo bài bản, thực hành tốt thì hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực du lịch trước tiên nhằm để phục vụ chính doanh nghiệp nên doanh nghiệp luôn có trách nhiệm trong việc bồi dưỡng, đào tạo và bố trí việc làm phù hợp cho lực lượng này.
Chu Uyên