Nhiều thành phố ở châu Âu như Paris, Venice áp dụng các khoản thuế du lịch, nơi nào càng nổi tiếng, mức thuế càng cao.
Hầu hết thành phố ở châu Âu đang áp thuế du lịch (hay thuế thành phố) với khách lưu trú qua đêm. Mức thu thường là vài euro được thêm vào hóa đơn của du khách khi thanh toán trực tiếp với khách sạn hoặc thông qua Airbnb, nền tảng đặt phòng, căn hộ có trụ sở tại Mỹ. Nhiều nơi yêu cầu du khách phải thanh toán tiền mặt. Nếu lưu trú qua Airbnb, chủ nhà thường thu tiền ngay khi du khách vào ở. Tháng 3 vừa qua, Manchester là thành phố đầu tiên của Vương quốc Anh áp dụng mức thuế 1 euro với các lượt lưu trú qua đêm. Edinburgh và xứ Wales cũng đang có kế hoạch tương tự.
Thành phố nào càng nổi tiếng, mức thuế càng cao. Amsterdam (Hà Lan) tính thuế du lịch theo công thức 7% tổng chi phí phòng khách sạn cộng thêm 3 euro mỗi người mỗi đêm. Ở Vienna (Áo), cách tính thuế du lịch như sau: trước tiên, trừ đi tiền ăn sáng và thuế bán hàng khỏi tổng tiền phòng. Sau đó, trừ 11% của số tiền còn lại. Cuối cùng, lấy 3,2% của số tiền sau khi đã trừ hai lần để ra số thuế du lịch. Ví dụ, nếu bạn thuê phòng với giá 100 euro mà không bao gồm tiền ăn sáng và thuế bán hàng, số tiền thuế du lịch bạn phải trả là 2,52 euro (3,2% của 100 - 11).
Tại Bồ Đào Nha, ba thành phố Faro, Vila Real de Santo António và Olhão trên bờ biển Algarve đông khách thu 1 euro vào mùa đông, 2 euro cho các mùa khác.
Một điểm khác cần lưu ý, điểm lưu trú càng sang trọng, du khách càng phải trả nhiều tiền. Chẳng hạn, ở Rome (Italy), khách sạn ba sao phải chịu thuế 4 euro mỗi đêm, khách sạn bốn sao là 6 euro và năm sao là 7 euro.
Venice cũng áp dụng "thuế thành phố" với khách lưu trú qua đêm. Du khách ở khách sạn một sao phải trả thuế 1 euro mỗi người mỗi đêm, ở khách sạn năm sao nộp 5 euro. Du khách nộp thuế này trong 5 đêm lưu trú đầu tiên.
Ngoài ra, Venice còn thu phí vào thành phố. Việc thực thi bị hoãn lại nhiều lần kể từ lần đề xuất đầu tiên vào năm 2019. Thành phố đã ấn định mức phí được áp dụng vào năm 2024. Các khoản phí vào cửa là 3 euro cho những ngày thấp điểm và 10 euro vào dịp cao điểm. Khoản phí này chỉ dành cho những du khách tham quan trong ngày. Lượng khách này chiếm 90% tổng số du khách, đóng góp rất ít vào nền kinh tế địa phương nhưng lại gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Trong khi đó, du khách ở lại qua đêm chỉ phải trả "thuế thành phố". Đây là cách Venice xây dựng môi trường du lịch bền vững, hạn chế khách ở ngắn ngày.
Tại Pháp, mức phí khác nhau tùy theo vùng đô thị và loại chỗ ở, từ 0,2 euro đến 4,2 euro tại các thành phố ngoài Paris. Trong khi đó ở Paris, thuế du lịch ở mức 0,2 euro cho mỗi đêm lưu trú tại khách sạn một sao. Các khách sạn hạng sang có mức phí khoảng 5 euro mỗi người mỗi đêm.
Ở Hy Lạp, mức phí khác nhau tùy loại chỗ ở, dao động từ 0,5 euro đến 4 euro mỗi phòng mỗi đêm.
Du khách tàu biển cập một số cảng ở châu Âu cũng phải trả phí du lịch. Du thuyền cập cảng Barcelona, Tây Ban Nha 12 giờ trở lên, hành khách sẽ phải trả 4,75 euro mỗi người. Tại Amsterdam, mức phí phải trả là 8 euro, áp dụng với những tàu cập bến trong ngày. Tàu neo đậu trên 12 giờ và du khách lưu trú qua đêm trong thành phố được miễn khoản phí này. Tại Italy, khách du lịch đi phà công cộng hay du thuyền cập cảng tại bất kỳ thành phố nào cũng phải trả phí. Mức phí do chính quyền địa phương quy định.
Thuế du lịch ở châu Âu còn bao gồm chi phí thu gom rác và vệ sinh đường phố, thường được tính trong tối đa một tuần lưu trú. Du khách ở lâu hơn sẽ tiết kiệm được khoản này.
Không riêng châu Âu, nhiều bang của Mỹ tính "thuế chỗ ở", khách sạn tính "phí nghỉ dưỡng". Các khoản phí này thậm chí không được dùng vào việc hỗ trợ cộng đồng như ở châu Âu. Du khách nhập cảnh New Zealand cũng phải đóng thuế du lịch 20 USD. Tương tự, mọi du khách trước khi rời khỏi Nhật Bản đều phải đóng 1.000 yen (khoảng 9 USD).
Theo vnexpress.net